ThienNhien.Net – Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam – Lào, Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Kông sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.
Thiếu thông tin quản lý tài nguyên nước trên các sông biên giới
Theo thống kê, Việt Nam và Campuchia có đường biên giới chung trên đất liền dài 1393km, qua 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và 6 tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ gồm Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang có khoảng 53 sông, suối chảy qua biên giới hai quốc gia. Ở dọc khu vực biên giới có rất nhiều sông, suối, rạch lớn nhỏ chạy dọc hoặc cắt ngang các đường biên. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta còn thiếu thông tin về số liệu thủy văn, chưa nắm được tình hình khai thác, sử dụng các sông này trên phần lãnh thổ của các quốc gia láng giềng… do cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, mạng thông tin tài nguyên nước của Việt Nam còn yếu và không đồng bộ nên việc quản lý và khai thác tài nguyên nước còn yếu…
Điều đó thể hiện ở việc, chúng ta gặp nhiều khó khăn khi tham gia các quy chế sử dụng nước xuyên biên giới trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích, công bằng và hợp lý trong khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và phòng, chống giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Bởi lẽ, vốn là nước nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, Việt Nam Nam không chỉ hứng chịu mọi tác động tiêu cực do các hoạt động từ phía thượng lưu gây ra mà còn chịu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu, xu thế phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, nhu cầu sử dụng nước ngày một nhiều phục vụ phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia trong lưu vực đã và đang đặt ra yêu cầu quan tâm cả về số lượng và chất lượng nước chảy qua thuộc lãnh thổ nước ta.
Sẽ có 39 vị trí được dự kiến đặt trạm quan trắc
Dự án đầu tư “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công” của Ủy hội Sông Mê Công quốc tế hướng tới thiết lập mạng lưới quan trắc tài nguyên nước hiện đại tại các sông, suối biên giới với Campuchia và Lào, đáp ứng yêu cầu về quản lý nước sông xuyên biên giới.
Theo các chuyên gia dự án, mạng quan trắc giám sát nguồn nước xuyên biên giới các sông, suối Việt Nam Campuchia sẽ được xây dựng theo hướng tự động hóa. Các trạm quan trắc này sẽ cung cấp các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng, chất lượng nước. Thời gian, cập nhật thông tin về nguồn nước cũng rất cần thiết cho công tác ứng phó với diễn biến kịp thời đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Vì vậy, các thông số cần quan trắc để phục vụ quản lý bao gồm thông số về số lượng nước, thông số về chất lượng nước gồm có nhóm chỉ tiêu đại nguyên tố, nhóm chỉ tiêu vi lượng, nhóm chỉ tiêu có nguồn gốc nitơ, phốt phát, vi sinh, phù sa…
Nhóm nghiên cứu thực hiện dự án đã tiến hành khảo sát sơ bộ xác định vị trí đặt trạm quan trắc nguồn nước xuyên biên giới tại 9 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Tiêu chí khảo sát các sông xuyên biên giới là sông thuộc hệ thống sông Mê Kông, sông chảy xuyên biên giới, chiều dài sông tối thiểu 10km về mỗi phía biên giới, sông có dòng chảy liên tục và có giá trị sử dụng nước lớn đối với dân sinh, kinh tế, an ninh quốc phòng…
Riêng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do diễn biến thủy văn ở sông rạch biên giới Việt Nam – Campuchia thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thủy triều suốt năm trừ những ngày đỉnh lũ xảy ra ở đầu nguồn sông Cửu Long (Tân Châu và Châu Đốc) nên việc xác định khả năng đặt trạm quan trắc tài nguyên nước trên khu vực này là yêu cầu tiên quyết. Vì vậy, lãnh đạo Bộ TN&MT đã yêu cầu tiến hành khảo sát, chuẩn hóa lại vị trí các điểm dự kiến đặt trạm quan trắc tài nguyên nước xuyên biên giới trên khu vực. 11 vị trí được dự kiến đặt trạm quan trắc tại khu vực này. Đó là các vị trí Vàm Cỏ Tây, Long Khốt (Long An); Thông Bình, Cầu Đúc, Sở Thượng, Hồng Ngự, Sông Tiền (Đồng Tháp); Sông Hậu, Sông Châu Đốc, Vĩnh Tế (An Giang) và Vàm Cỏ Đông (Tây Ninh).
Cùng với các vị trí đề xuất ở khu vực Tây Nguyên, sẽ có tất cả 39 vị trí được dự kiến đặt trạm quan trắc tài nguyên nước xuyên biên giới. Hiện tại, các vị trí đặt trạm quan trắc đã được gửi đi lấy ý của các địa phương, đến nay, hầu hết các ý kiến phản hồi đều thống nhất với danh mục các vị trí dự kiến đặt trạm. Thời gian tới, các chuyên gia kỹ thuật sẽ nghiên cứu, lựa chọn các loại máy quan trắc phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của dự án. Hy vọng, khi có các trạm quan trắc tài nguyên nước, nguồn nước của Việt Nam sẽ được quản lý và giám sát từ đầu nguồn một cách hiệu quả nhất.