ThienNhien.Net – Cụ thể hơn là những khoản thu từ các dự án Giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng kết hợp Bảo tồn, Quản lý bền vững, Tăng dự trữ các-bon (REDD+) nên được trao cho các cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng để đầu tư cho tương lai của họ. Đây là đề xuất mà Tổ chức The Forests Dialogue (TFD) mới đưa ra trong báo cáo mang tên Giving REDD+ Life (Cho REDD+ Sự sống).
Theo lý giải của Gary Dunning, Giám đốc Điều hành TFD, lý do có đề xuất trên bắt nguồn từ thực tế, “chúng ta chỉ có thể nói chuyện về các mục tiêu bảo tồn lâu dài và bền vững khi người dân địa phương được tiếp cận và kiểm soát nguồn tài nguyên của họ”.
Ông cho biết thêm: “Mặc dù nguồn tài nguyên này bao gồm cả những gì do sáng kiến REDD+ tạo ra, song lợi nhuận từ REDD+ vẫn nên được sử dụng để hỗ trợ quá trình phát triển toàn diện và bền vững cho các địa phương, bởi rừng còn là sinh cảnh chứ không đơn thuần chỉ là nơi tập trung các-bon”.
Bên cạnh đề xuất mới, báo cáo Giving REDD+ Life còn đưa ra những khuyến nghị liên quan đến vấn đề tài chính và phân bổ lợi ích của REDD+. Báo cáo kêu gọi các đơn vị tài trợ cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo các khoản thu từ REDD+ có thể tới tận tay các cộng đồng sống gắn với rừng, đồng thời giúp kết nối các dự án REDD+ với hoạt động gây quỹ nhằm hỗ trợ sinh kế và các nỗ lực phát triển chung của người dân địa phương.
Để làm được điều này, Giám đốc Toàn cầu Nhóm Quyền và Giải pháp dựa vào Tự nhiên (Nature Based Solutions and Rights Group) thuộc Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Stewart Maginnis, cho rằng mỗi quốc gia nên có một hệ thống theo dõi, báo cáo nguồn phân bổ, chi trả và đánh giá mức độ hiệu quả của các khoản thu chi thực tế đến tay người dân.
Ngoài ra, những chính sách của REDD+ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia vào việc quản lý rừng bền vững cũng như xây dựng năng lực địa phương để tạo sự chủ động cam kết và phối hợp quản lý hiệu quả giữa tất cả các bên.