Khởi động xây dựng Chiến lược quản lý hệ thống Khu BTTN Việt Nam đến năm 2020

ThienNhien.Net – Ngày 07/06/2012, tại Hà Nội, Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo khởi động xây dựng Chiến lược quản lý hệ thống Khu bảo tồn thiên nhiên (Khu BTTN) Việt Nam đến năm 2020.

Khu BTTN
Một góc khu BTTN Bát Đại Sơn, tỉnh Hà Giang (Ảnh: ThienNhien.Net)

Chiến lược Quản lý hệ thống khu BTTN đến năm 2010 (theo QĐ số 192/2003/TTg ngày 17 tháng 9, năm 2003) đã kết thúc. Trong năm 2012 cần phải xây dựng một chiến lược mới hướng tới việc quản lý hiệu quả hơn hệ thống khu BTTN cũng như phù hợp với bối cảnh phát triển quốc gia cho đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bản đề cương Chiến lược quản lý hệ thống Khu BTTN Việt Nam đến năm 2020 được các đại biểu đến từ Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, lãnh đạo một số VQG, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học đóng góp nhiều ý kiến về: Mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và giá trị của Khu BTTN; Hiệu quả quản lý các Khu BTTN và Thể chế chính sách quản lý… Nhóm soạn thảo cho biết, với tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược hoạch định những nguyên tắc, định hướng và hành động cần thiết trong công tác quản lý các KBT, sử dụng bền vững hệ sinh thái tự nhiên nhằm phát triển hệ thống các Khu BTTN Việt Nam đảm bảo đồng bộ với Chiếc lược Quốc gia về Bảo tồn đa dạng sinh học.

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Chiến lược (Ảnh: GIZ)

Dự kiến Đề cương chiến lược được thông qua và trình chính phủ vào cuối năm nay.

Cùng ngày, Vụ Bảo tồn thiên nhiên (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cũng khởi động quá trình soạn thảo Thông tư về phân khu chức năng khu bảo tồn và lập quy hoạch vùng đệm, xác định và đóng mốc ranh giới trên thực địa cho vùng đệm. Đây là văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các Nghị định số 117/2010/NĐ-CP về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng và 65/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học, nhằm thúc đẩy công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn và vùng đệm cũng như huy động sự tham gia của chính quyền và cộng đồng địa phương vào công tác này.

Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức đại diện cho Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức (BMZ) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thực hiện giai đoạn đầu tiên của dự án” Bảo tồn Đa dạng Sinh học các Hệ Sinh thái Rừng Việt Nam” kéo dài từ tháng Tám 2010 đến tháng Bảy 2013. Vụ Bảo tồn Thiên nhiên là đối tác triển khai dự án. Mục tiêu lâu dài của dự án là cải thiện các điều kiện về mặt nhân lực, thể chế, kỹ thuật, tài chính và pháp lý trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam đặc biệt ở cấp quốc gia và một số khu bảo tồn. Hiện tại, dự án đang hỗ trợ công tác soạn thảo Thông tư nói trên.