ThienNhien.Net – Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) được thiên nhiên ưu đãi khi sở hữu rừng đặc dụng với độ che phủ cao thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung. Rừng có nhiều thực vật nằm trong sách đỏ nhưng tài sản quý giá nhất vẫn là gỗ nghiến.
Thế nhưng,rừng gỗ nghiến ở đây đang ngày đêm bị lâm tặc nhòm ngó, sẵn sàng đốn hạ những cây gỗ hàng trăm năm tuổi. Theo như lời một người dẫn đường cho chúng tôi, “rừng ở đây như thiếu nữ 18, ai cũng muốn nhòm ngó, sẵn sàng nhảy bổ để chiếm đoạt và sở hữu”.
Đem những thắc mắc mà chuyến đi rừng này về trao đổi với ông Nguyến Thế Đồi, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang, ông Đồi bình thản cho biết: “Tôi đã chỉ đạo quyết liệt cho anh em tăng cường công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc lâm tặc phá rừng thì khó tránh khỏi. Đông người như ở Hà Nội còn bị mất gỗ sưa nữa là ở vùng rừng núi mất gỗ. Việc các anh phản ánh gỗ nghiến bị chặt phá là chưa đúng vì bây giờ rừng Na Hang chủ yếu là gỗ tạp chứ gỗ nghiến còn ít lắm?”.
Đem những hình ảnh và clip mà phóng viên báo giadinhvn.vn quay được trong chuyến đi rừng này lên Chi cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, ông Vũ Đình Tải, Phó chi cục trưởng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang nhận định: “Khi xây dựng lòng hồ thủy điện, việc nước ngập vô tình đã tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc vận chuyển gỗ. Nếu không còn rừng đặc dụng Na Hang thì không còn hồ thủy điện. Bởi lẽ, phá rừng dẫn đến tình trạng nước hồ thủy điện giảm mạnh đến cạn kiệt và kéo theo những nguy cơ tiềm ẩn khác. Theo tôi, nguyên nhân xảy ra tình trạng phá rừng do lực lượng kiểm lâm quá mỏng. Nên việc ngăn chặn được lâm tặc vào phá rừng là khó”.
Rừng xanh đang kêu cứu, những cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi đang ngày đêm bị đe dọa, lâm tặc có thể đốn hạ bất cứ lúc nào. Ánh mắt người dẫn đường vẫn đau đáu nhìn về rừng: “Từ bao đời nay chúng tôi sống nhờ vào rừng, bao mùa lũ đi qua, không có rừng che chắn thì không biết những ngôi làng ở đây sẽ thế nào? Chỉ vì những cái lợi ích vật chất tầm thường trước mắt mà bọn chúng ngang nhiên tàn phá rừng, đau lắm, xót xa lắm các nhà báo à”- một người dân than thở.
Một số hình ảnh rừng đặc dụng Na Hang bị lâm tặc tàn phá:
Rừng xanh đang ngày càng chảy máu: “Xin hãy để là rừng vàng”.