ThienNhien.Net – Tháng 5/2012 kỷ niệm tròn 20 năm các nhà khoa học phát hiện ra sao la (Pseudoryx nghetinhensis) – một loài thú móng guốc hoàn toàn mới cho khoa học và góp phần khẳng định giá trị đa dạng sinh học còn chưa được khám phá của dãy Trường Sơn. Đáng tiếc rằng sau hai thập kỷ ấy, thông tin về sự xuất hiện trong tự nhiên và những đặc tính của sao la vẫn cực kỳ hiếm hoi. Có ý kiến lo ngại “nếu chúng ta không kịp thời bảo tồn thì có lẽ sau lễ kỷ niệm 20 năm xuất hiện loài sao la lần này, sẽ không còn cơ hội tiếp tục tổ chức những lễ kỷ niệm như vậy nữa”.
Bức tranh khuyết
Sao la lần đầu được một nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Lâm nghiệp Việt Nam (nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phát hiện trong đợt khảo sát tại khu vực rừng Vũ Quang (Hà Tĩnh), gần biên giới Việt – Lào, sau khi họ tìm thấy một hộp sọ với cặp sừng lạ trong nhà một thợ săn. Phát hiện trên có ý nghĩa đặc biệt vì đã nhen lên hy vọng hiếm hoi trong giới bảo tồn về khả năng phát hiện thêm loài thú lớn hoàn toàn mới cho khoa học. Do đó, nó nhanh chóng được công nhận là một trong những phát hiện gây chấn động nhất thế kỷ XX trong lĩnh vực bảo tồn.
Tuy nhiên, 20 năm trôi qua, hiểu biết của con người về các đặc điểm sinh thái học cũng như hành vi của loài sao la vẫn chẳng tăng lên bao nhiêu. Lý giải điều này, Nick Cox, Cán bộ quản lý Chương trình Loài của WWF Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng, cho biết: “Sao la là loài cực kỳ nhút nhát, dù chúng chỉ cư trú trong một phạm vi rất hẹp nhưng chưa lần nào các nhà khoa học được tận mắt thấy chúng trong tự nhiên. Đáng buồn hơn là những cá thể sao la không thể sống trong điều kiện nuôi nhốt nên dù có bắt được, cũng không thể nào tiến hành gây nuôi”.
Năm 2010, người dân tỉnh Trung Lào Bolikhamxay đã bắt được một cá thể sao la, nhưng cá thể này đã chết chỉ sau vài ngày. Còn trước đó, ghi nhận cuối cùng về một cá thể sao la đang sinh sống trong tự nhiên chỉ được biết đến qua những hình ảnh có được từ bẫy ảnh đặt tại Bolikhamxay vào năm 1999.
Chính những khó khăn trong việc tiếp cận và nghiên cứu sao la đã khiến các nhà khoa học không thể đưa ra đánh giá chính xác về số lượng quần thể loài. “Nếu may mắn thì khả năng vẫn còn khoảng vài trăm cá thể sao la, song nếu tệ hơn, có khi chỉ còn vài chục cá thể mà thôi” – William Robichaud, Điều phối viên Nhóm Nghiên cứu Sao la, nhận định.
Bảo tồn sao la trước nạn săn bắn trái phép
Bên cạnh sự thu hẹp nhanh chóng phạm vi cư trú của sao la do cơn lốc tăng trưởng kinh tế, mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống của loài động vật này chính là nạn săn bắn trái phép.
Để bảo vệ loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng, trong thời gian qua, Lào và Việt Nam đã nỗ lực thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn trọng điểm, đồng thời thúc đẩy một số khu bảo tồn triển khai những hướng tiếp cận mới nhằm ngăn chặn tình trạng săn trộm đang diễn ra tràn lan.
WWF cũng đã hỗ trợ Khu bảo tồn Thiên nhiên Sao la (thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế) triển khai mô hình đồng quản lý và bảo vệ rừng, bước đầu cho kết quả khả quan. Kể từ tháng 2/2011 đến nay, nhóm kiểm lâm mới thành lập của Khu bảo tồn đã gỡ bỏ được hơn 12.500 bẫy và gần 200 lán, trại khai thác gỗ kết hợp săn bắn trái phép của các nhóm lâm tặc.
“Chỉ bằng cách giảm đáng kể tình trạng săn trộm, chúng ta mới có thể lạc quan khi nhìn về tương lai của loài sao la. Muốn vậy, các cơ quan hữu trách cần phải gia tăng ngân sách đầu tư cho lực lượng tuần tra trong các khu vực có sao la, tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các nguồn sáng kiến hiệu quả và không ngừng giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ thịt cũng như các sản phẩm khác từ động vật hoang dã” – Chris Hallam, Cố vấn Quy hoạch Bảo tồn của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) tại Lào, chia sẻ.
Sao la được coi là một biểu tượng cho bức tranh đa dạng sinh học ở dãy Trường Sơn, dãy núi chạy dọc biên giới Việt – Lào. Chúng sống rải rác trên một vùng rộng lớn có diện tích khoảng 5.200km2, ở vùng rừng cao và ẩm ướt.
Dãy Trường Sơn, ngoài sao la, còn là nơi sinh sống của nhiều động vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài đặc hữu. Sau phát hiện loài sao la vào năm 1992, tại đây, giới khoa học còn tìm thấy hai loài thú móng guốc khác là Mang lớn (Muntiacus vuquangensis) và Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis) lần lượt vào các năm 1994 và 1997, bổ sung thêm cho đặc tính đa dạng sinh học nổi trội của khu vực dãy Trường Sơn. |