ThienNhien.Net – Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Dũng – Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về những điểm mới trong chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng đang đặt ra hiện nay.
PV: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/2/2012 ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng. Ông có thể cho biết, những điểm mới tại Quyết định này so với trước đây?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ có một số điểm mới, chính sách có tính đột phá.
Thứ nhất, hỗ trợ kinh phí cho UBND cấp xã tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở. Nhà nước hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm để tổ chức quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng do UBND cấp xã trực tiếp quản lý.
Bên cạnh đó, chi hỗ trợ cho người tham gia bảo vệ rừng, chữa cháy rừng bị tai nạn về thanh toán tiền khám, chữa bệnh theo chế độ hiện hành, hỗ trợ 100.000 đồng/ngày/người trong thời gian điều trị tại bệnh viện.
Thứ hai là chính sách đồng quản lý rừng. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai thí điểm và xây dựng chính sách đồng quản lý rừng để tạo cơ chế thu hút sự tham gia của cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn cùng với Ban quản lý rừng khu đặc dụng, Ban quản lý khu rừng phòng hộ; doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở thỏa thuận về trách nhiệm quản lý bảo vệ, phát triển rừng; chia sẻ lợi ích hợp pháp tương xứng với sự đóng góp của các bên.
Thứ ba, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở. Đối với chủ rừng, có trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng trên diện tích đã được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Chủ rừng có diện tích rừng từ 1.000 ha trở lên phải có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Thứ tư là chính sách nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động đối với lực lượng kiểm lâm.
PV: Thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã phản ánh thực trạng rừng ở nước ta và công tác quản lý bảo vệ rừng còn có điểm bất cập? Ông có thể cho biết chính xác về thực trạng rừng hiện nay và liệu những chính sách mới ban hành như vừa nêu trên có góp phần khắc phục được thực trạng?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, chiếm đất, lấy gỗ và lâm sản trái pháp luật diễn ra phức tạp cả về tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại tại một số địa phương; hành vi chống người thi hành công vụ diễn ra gay gắt, công nhiên, gây bức xúc trong xã hội.
Để xảy ra tình trạng trên cho thấy, một số đơn vị, cấp chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.
Nhiều chủ dự án không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng để rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật nhưng không có biện pháp ngăn chặn…
Các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ được Nhà nước giao quản lý diện tích rừng, đất rừng lớn nhưng lực lượng bảo vệ rừng mỏng, có nơi chưa đủ năng lực để tổ chức bảo vệ rừng, dẫn đến tình trạng để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả… UBND xã được Nhà nước giao quản lý rừng nhưng không đủ điều kiện con người và tài chính để tổ chức bảo vệ rừng nên để rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật mà không thể tổ chức thu hồi được.
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và phát triển rừng và quản lý đất đai chưa nghiêm, hiệu lực thực thi pháp luật về bảo vệ rừng và quản lý đất đai chưa cao, không xử lý được các đầu nậu thuê người phá rừng và đối tượng mua, bán tích tụ đất đai trái pháp luật.
Trước thực trạng trên, ngày 27/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1685/CT-TTg nhằm tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Chuyên trách bảo vệ rừng đặc dụng bình quân 500 ha/người
PV: Theo kế hoạch bình quân trong toàn quốc sẽ tăng biên chế kiểm lâm, tức là cứ 1.000 ha rừng có 1 biên chế kiểm lâm, vậy tỷ lệ kiểm lâm kiểm soát rừng hiện nay là bao nhiêu và tại sao lại có tỷ lệ này (1.000 ha rừng có 1 kiểm lâm) chứ không phải là những con số khác, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 15, Nghị định 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm, biên chế kiểm lâm thuộc biên chế hành chính nhà nước, định mức biên chế bình quân toàn quốc cứ 1.000 ha rừng có 1 biên chế kiểm lâm.
Tại Khoản 3, Điều 28, Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì biên chế kiểm lâm rừng đặc dụng thuộc công chức nhà nước, định mức biên chế tối đa 500 ha có một công chức kiểm lâm. Tại điểm a, Khoản 4, Điều 18, Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng quy định lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đặc dụng được bố trí bình quân 500 ha/người.
Hiện nay, toàn quốc có 11.786 biên chế kiểm lâm, trong đó có 8.843 người là công chức, 2.816 người đang là viên chức; trong khi đó, hiện nay toàn quốc có 13.388.000 ha rừng, trong đó rừng đặc dụng là 2.013.944 ha.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì lực lượng kiểm lâm toàn quốc phải có 15.000 người. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường, bổ sung 3.000 biên chế kiểm lâm giai đoạn 2011 – 2015.
PV: Cùng với tăng biên chế, xin ông cho biết đã có những chính sách gì để lực lượng kiểm lâm gắn bó với nghề, yêu rừng, không phát sinh tiêu cực chung chi với nạn gỗ lậu hoặc chặt phá rừng trái phép, cũng như đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để những người kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Những năm gần đây, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã quan tâm ban hành một số chính sách đãi ngộ đối với lực lượng kiểm lâm, như: chế độ thâm niên nghề, chế độ ưu đãi nghề, được hưởng chế độ thương binh, liệt sỹ nếu như bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Mặc dù đã có sự quan tâm, tuy nhiên điều kiện làm việc của kiểm lâm hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đang hết sức thiếu thốn và lạc hậu; địa bàn làm việc của kiểm lâm chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn.
Do vậy, ngoài việc động viên bằng việc đãi ngộ các chế độ chính sách thì vấn đề hết sức quan trọng đối với lực lượng kiểm lâm đó là thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức của công chức kiểm lâm, tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực, tăng cường kiểm tra chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp công chức kiểm lâm vi phạm tác phong, đạo đức nghề nghiệp, quy chế của ngành trong khi thi hành công vụ.
Điều tra, triệt phá những “đầu nậu”
PV: Thời gian qua, tình hình khai thác, chặt phá rừng đang diễn ra ở nhiều nơi, công tác quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn? Xin ông cho biết công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới sẽ chú trọng giải quyết những bất cập cơ bản nào?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới tập trung vào việc kiểm tra diện tích rừng hiện có, trong đó, tập trung chủ yếu vào diện tích rừng tự nhiên, giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền cấp huyện, cấp xã và chủ rừng.
Huy động các lực lượng công an, quân đội phối hợp với kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản và đất sản xuất trái pháp luật.
Đồng thời, kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng dự án được phê duyệt, đặc biệt là mục tiêu thu hút người dân tại chỗ tham gia vào các hoạt động của dự án để tăng thu nhập, giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi.
Bên cạnh đó, rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp do các lâm trường, công ty lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng để tiếp tục có phương án, giải pháp cụ thể sắp xếp, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, sản xuất kinh doanh, đề xuất chính sách, cơ chế quản lý.
Ngoài ra, sẽ xử lý nghiêm minh những vi phạm theo pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tập trung thống kê, điều tra, triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật; rà soát xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng gắn với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để giáo dục, răn đe phòng ngừa chung.