ThienNhien.Net – “Việc đổi mới, sắp xếp lâm trường quốc doanh sau 8 năm thực hiện đã không đạt được kết quả như mong muốn của Chính phủ đề ra vì vấp nhiều lực cản, chỉ dừng ở việc đổi mới tên, chưa chuyển đổi căn bản về nội dung quản lý.”
Đó là nhận xét được đưa ra trong cuộc tọa đàm về “Thực trạng và xung đột trong quản lý, sử dụng đất rừng giữa lâm trường quốc doanh với người dân địa phương và Thực hiện đổi mới, sắp xếp, phát triển lâm trường quốc doanh” diễn ra ngày 10/5 tại Hà Nội, do Viện tư vấn phát triển (CODE) tổ chức.
Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng CODE, cho biết đến nay, cả nước đã có 51 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt “Đề án sắp xếp đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh”. Từ 256 lâm trường, công ty lâm nghiệp, sau khi sắp xếp còn 136 công ty TNHH một thành viên, 14 công ty cổ phần, 36 BQL rừng được thành lập và 14 nông lâm trường quốc doanh bị giải thể.
Tuy nhiên do năng lực quản lý yếu, diện tích quản lý lớn nên rừng tự nhiên do các lâm trường quốc doanh quản lý tiếp tục bị xâm hại (trung bình mỗi năm mất khoảng hơn 20 nghìn ha trong giai đoạn 2006-2010), thực trạng chặt phá rừng diễn ra khá phổ biến, chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Tiến trình rà soát, sắp xếp đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh diễn ra chậm và gặp nhiều vướng mắc chưa giải quyết được, đặc biệt việc rà soát, đánh giá đất đai của lâm trường quốc doanh mới chỉ dựa trên báo cáo tự đánh giá của chính các lâm trường. Việc rà soát đất đai thiếu sự tham gia của người dân và chưa xem xét đến nhu cầu sử dụng đất rừng của người dân địa phương nên vài năm trở lại đây, mâu thuẫn tranh chấp đất rừng giữa người dân địa phương với các lâm trường ngày càng nhiều. Trong khi đó việc thu hồi đất rừng giao lại cho địa phương rất chậm, đến năm 2011 mới được 720 nghìn ha, tương đương 63,2% dự kiến.
Nếu không giải quyết được các xung đột hiện có trong tiến trình sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh, rất có thể Việt Nam sẽ khó tiếp cận với nguồn lực từ bên ngoài như chương trình REDD+ trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng để đảm bảo quá trình sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh thuận lợi, cần phải rà soát, đánh giá đất đai của lâm trường quốc doanh trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, xây dựng mô hình quản lý rừng phù hợp và hiệu quả với từng vùng miền.