ThienNhien.Net – Xuất phát từ một nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy thẳng ra biển Đông, Hải Vân chính là “lá chắn” giữa hai miền khí hậu Bắc-Nam, phân định rõ rệt 2 vùng khí hậu. Nhờ vậy, vùng rừng núi giao thoa giữa hai miền Nam-Bắc này có hệ động, thực vật rất độc đáo, riêng có. Thế nhưng, hiện rừng Hải Vân nói chung và Bắc Hải Vân (Thừa Thiên – Huế) nói riêng, còn rất ít cây tự nhiên, chủ yếu là rừng trồng mới thấp về giá trị kinh tế và kém về giá trị phòng hộ.
Sau nhiều trăn trở và nỗ lực, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhân giống thành công các loại cây tự nhiên, nhất là cây huỷnh để khôi phục lại diện tích rừng đặc dụng đã bị mất.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, hiện trên địa bàn đã trồng được hơn 9.000ha rừng kinh tế, xen rừng tự nhiên; tạo thành thảm thực vật phong phú cho hệ thống rừng đặc dụng Bắc Hải Vân.
Khó khăn của đơn vị hiện nay là diện tích rừng phải quản lý khá lớn, lại nằm trên một địa hình phức tạp nên việc quản lý người dân sống gần rừng vào khai thác hết sức khó khăn.
Thêm nữa, vào mùa nắng nóng, rừng ở đây cũng rất dễ cháy do nhiều nguyên nhân như bom đạn tự phát nổ gây cháy, hoặc người đi đường (cả đường sắt và đường bộ) qua đèo Hải Vân vô ý vứt tàn thuốc, than lửa xuống đường gặp thảm thực bì khô nhanh chóng bắt cháy, trong khi lực lượng phòng, chữa cháy rất mỏng.
Biện pháp chủ yếu hiện nay của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân là làm 24km đường ranh cản lửa dọc theo tuyến đường sắt và Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân, xác định các hồ nước tự nhiên trong rừng và giao cho từng trạm quản lý ở các địa bàn theo dõi, sử dụng khi cần thiết.