ThienNhien.Net – Từ chối tiếp nhận quan điểm hạnh phúc thường đi đôi với tiền bạc của Hoa Kỳ và nhiều nước công nghiệp phát triển khác, Bhutan – Vương quốc nhỏ bé phía Đông dãy Himalaya, nơi được mệnh danh là nóc nhà thế giới – đã tự tạo cho mình một thước đo mới gắn kết hạnh phúc và sự thịnh vượng. Tại quốc gia này, người ta không sử dụng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) để đánh giá sự thịnh vượng
GNH quan trọng hơn GDP…
Đã qua rồi cái thời con người chỉ đo đếm hạnh phúc bằng tiền bạc bởi thực tế, tiền bạc không mua nổi hạnh phúc. Ở một số nước giàu như Hoa Kỳ, bức tranh tương phản giàu – nghèo hẳn đã vô cùng rõ nét. Bên cạnh nhiều tòa nhà chọc trời cao ngút tầm mắt, bên cạnh những cơ ngơi, dinh thự sa hoa, những khu vui chơi – giải trí hạng sang… là vô số khu nhà ổ chuột thảm thương. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều nước giàu khác ở châu Âu, nhất là khi cuộc khủng hoảng nợ công đang bùng phát mạnh mẽ tại châu lục này. Và ngay cả những quốc gia được đánh giá là yên bình và hạnh phúc nhất thế giới như Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan hay Đan Mạch…, hạnh phúc cũng không tồn tại một cách độc lập với hiệu suất kinh tế.
Nhưng ở Bhutan – dẫu rằng đến nay còn nằm trong tốp những nước nghèo trên thế giới, bạn và tôi vẫn có thể nhìn thấy bước chuyển biến thực sự về mặt bằng hạnh phúc của người dân. Nếu lâu nay, các nhà nghiên cứu đã phải lao tâm khổ tứ tìm cách định lượng hạnh phúc mà vẫn chưa có được câu trả lời đích đáng nhất thì tại đất nước nhỏ bé vùng Himalaya này, Chính phủ và nhân dân đã cùng tạo dựng một thước đo lượng giá hạnh phúc và thịnh vượng đầy tính nhân văn, đó là Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH). Tất nhiên không thể thay thế GDP, song GNH tồn tại bên cạnh GDP như một phần bù không thể thiếu để vẽ nên bức tranh tương đối hoàn chỉnh giúp đánh giá sự thịnh vượng và mức độ hài lòng với cuộc sống của người dân.
“Cha đẻ” của khái niệm này không ai khác chính là Quốc vương đời thứ tư của Bhutan Jigme Singye Wangchuck. Ông lên ngôi năm 1972 và nhanh chóng bắt tay vào tiến trình vận hành guồng máy cai trị đất nước, tạo dựng hạnh phúc cho người dân. Tuy nhiên, những hình mẫu phát triển của nước ngoài không giúp ông nhìn ra được thứ gọi là hạnh phúc đích thực khi giàu – nghèo bị phân biệt rạch ròi, phúc lợi xã hội không được đảm bảo, môi trường bị phá hủy trầm trọng… Sau bao mối băn khoăn, trăn trở, Quốc vương Jigme Singye Wangchuck đã tìm kiếm và tự xây dựng một khái niệm hạnh phúc mới, hạnh phúc không gắn liền với tiền bạc mà đo bằng chính sự hài lòng, thỏa mãn của con người với cuộc sống hiện tại, bằng sự cân đối giữa giá trị vật chất với giá trị tinh thần thông qua chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH).Nói cách khác, nếu trước kia, người ta cho có thể đo đếm hạnh phúc và thịnh vượng của một quốc gia chỉ bằng GDP thì giờ đây, Bhutan không đi theo lối mòn ấy mà đánh giá hạnh phúc của con người không chỉ phụ thuộc vào các khía cạnh kinh tế đời sống mà dựa trên 4 trụ cột (tự túc về kinh tế, môi trường trong sạch, bảo tồn và phát huy văn hóa, chính quyền cai trị tốt dưới hình thức dân chủ), 9 phương diện (tâm thường an lạc, sinh thái, sức khỏe, văn hóa, tiêu chuẩn chất lượng sống, sử dụng thời gian, sắc thái cộng đồng và chính quyền thân thiện) cùng 72 tiêu chí hạnh phúc, trong đó có các đánh giá khách quan và chủ quan về sự hài lòng với cuộc sống.Muốn đạt được nền tảng hạnh phúc vững bền, dài lâu, Quốc vương Jigme Singye Wangchuck cho rằng cần phải dùng tiền có được từ phát triển quay sang đầu tư cải thiện phúc lợi xã hội, phục vụ đời sống con người; phải xây dựng quan hệ cộng đồng bền chặt, nơi gắn kết tình người và tồn tại sự chia sẻ lợi ích trên tinh thần tự nguyện; xây dựng những gia đình hạt nhân không chỉ gắn bó về huyết thống mà còn gắn bó trên phương diện tình cảm; cùng hướng tới thống nhất về tôn giáo, tín ngưỡng; duy trì được bản sắc văn hóa của địa phương và môi trường, hệ sinh thái lành mạnh.
Ông cũng khẳng định: “Bhutan sẽ theo đuổi mục tiêu đem thịnh vượng tới bất cứ vùng, miền nào trên đất nước, đồng thời đảm bảo phát triển luôn đi kèm với việc giữ gìn truyền thống văn hóa, bảo vệ môi trường cũng như duy trì một chính phủ đầy uy tín, trách nhiệm trước dân”. |
Khái niệm hạnh phúc của Bhutan được tạo dựng trên cơ sở học thuyết Phật giáo gắn với cách nhìn nhận hạnh phúc khoáng đạt và rộng rãi hơn. Bằng đường lối dẫn dắt và những chính sách đúng đắn nhằm đạt được chỉ số GNH cao nhất, Quốc vương Jigme Singye Wangchuck và người kế nhiệm của ông đã từng bước làm thay đổi diện mạo của một đất nước còn nghèo như Bhutan. Tuy xét trên phương diện phát triển kinh tế, Bhutan chưa có nhiều chuyển biến đáng kể, nhưng nếu nhìn từ chỉ số hạnh phúc và mặt bằng phúc lợi xã hội, đây có thể coi là hình mẫu lý tưởng đáng để nhiều quốc gia học tập.
…và là thước đo hạnh phúc – thịnh vượng của Bhutan
Thời gian qua, Vương quốc bé hạt tiêu với chưa đầy 700.000 dân nằm lọt thỏm giữa hai gã khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc đã hiện thực hóa GNH bằng nguồn hỗ trợ từ một quỹ GNH độc lập. Cùng lúc, Bhutan đã ban hành các chính sách hướng tới hoàn nguyên 100% nông nghiệp hữu cơ trên toàn bộ lãnh thổ, tăng cường sử dụng chất dẻo sinh học, từng bước loại trừ nhiên liệu hóa thạch ra khỏi đời sống và thay vào đó sử dụng các loại hình nhiên liệu sinh học… Bản thân mỗi chính sách khi đi vào quá trình thực thi đều có sự hỗ trợ của công nghệ, các mô hình kinh doanh cạnh tranh và cơ hội đầu tư… dựa trên nền tảng kinh tế xanh (blue economy) với thông điệp chủ đạo: hãy tận dụng những thứ sẵn có để đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người!
Chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm (từ năm 1984 đến năm 1998), tuổi thọ trung bình của người dân nước này đã tăng thêm 19 năm, trong khi trước đó phải mất 66 năm, Bhutan mới đạt được mức tăng trên.
Nếu đến Bhutan vào thời điểm năm 1960, chúng ta không thể tìm thấy một trường học công nào bởi lúc bấy giờ, nơi đây vẫn chưa hình thành hệ thống giáo dục công, thì nay trường học đã bao phủ khắp nơi trên đất nước Himalaya nhỏ bé, bao gồm đủ mọi cấp học và đa dạng về các ngành học. Giáo viên cũng được luân phiên giảng dạy, thường xuyên luân chuyển công tác từ thành thị đến nông thôn để đảm bảo con em được tiếp cận công bằng với chất lượng giảng dạy.
Cùng với đó là sự phủ sóng của mạng lưới cơ sở y tế, khám chữa bệnh. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát huy những thành quả y học cổ truyền, Bhutan vẫn chú trọng phát triển y học hiện đại nhằm tạo điều kiện cho người dân được hưởng dụng một nền y tế toàn diện hơn.
Chưa hết, Bhutan còn là nước nghèo duy nhất giữ được những cánh rừng tương đối nguyên vẹn với độ che phủ 72%, đồng thời hạn chế du lịch tối đa để bảo vệ các di tích cổ và các giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.
Mọi nỗ lực của quốc gia này cũng hướng tới mục tiêu tránh lặp lại mô hình coi trọng của cải, vật chất hơn chất lượng cuộc sống xuất hiện trong một nghiên cứu của trường Y tế Công cộng Harvard (Hoa Kỳ). Theo Thakur S. Powdyel, một cán bộ cấp cao thuộc Bộ Giáo dục Bhutan, “mục tiêu sống của con người không nên chỉ khuôn hẹp trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng và đi theo nguyên lý sản xuất càng nhiều, tiêu dùng càng tăng”, bởi thực tế “giữa mức độ sở hữu và mức độ hạnh phúc chẳng có mối dây liên hệ nào cả”. Do đó, Hiến pháp Bhutan quy định mọi chương trình của Nhà nước Bhutan từ nông nghiệp, giao thông vận tải cho đến ngoại thương… sẽ không dựa trên tiêu chí lợi nhuận kinh tế để đánh giá mà đánh giá bằng hạnh phúc nó mang lại cho toàn thể nhân dân.
Ủy ban Tổng giá trị Hạnh phúc Quốc gia Bhutan cho biết, GNH sẽ được đánh giá 2 năm/lần thông qua một bảng câu hỏi chung phổ biến trên toàn quốc. Riêng trong năm 2010, có 41% người dân Bhutan khẳng định họ hạnh phúc, 47,8% khá hạnh phúc và số còn lại chưa hạnh phúc – theo kết quả đánh giá chỉ số GNH mà quốc gia này thu được. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, có vẻ như Bhutan đang nỗ lực làm một điều gì khác biệt để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc mình và sự khác biệt thể hiện trên chính thước đo hạnh phúc của người dân – chỉ số GNH.
Dù lời giải đáp cho câu hỏi “hạnh phúc là gì?” mà Bhutan đưa ra chưa hoàn toàn làm hài lòng tất cả, song những gì đang diễn ra trên đất nước Phật giáo này đã chứng minh được rằng ít nhất, định hướng ban đầu của họ là đúng đắn và những bước đi hiện tại hầu như đều nhất quán với định hướng ấy. Quan điểm về sự thịnh vượng của Bhutan cũng đã lan tỏa ra thế giới, khiến nhiều nước giàu như Mỹ, Anh, Canada… phải ngước nhìn đầy nể phục.