ThienNhien.Net – 26 năm không phải quá dài, song có lẽ cũng đủ để làm mờ những vết thương in hằn lên quá khứ. Tuy nhiên, với Chernobyl (Ukraine) – nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại – thì dù đã qua 26 năm, bóng đen của thảm họa này vẫn còn đeo bám dai dẳng trên cả đất đai, hình hài cây cối, chim muông, dày vò thể xác và tinh thần người dân Chernobyl suốt nhiều thế hệ…
Một chiếc trực thăng quân sự tiến hành phun chất khử nhiễm xạ xuống khu vực bao quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl chỉ vài ngày sau khi lò phản ứng số 4 của nhà máy phát nổ.
Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nhìn từ trên cao được ghi lại trong bức ảnh chụp hồi tháng 5/1986. Phía trước ống khói là lò phản ứng số 4 đang trong tình trạng bị phá hủy, còn phía sau ống khói, ngay sát vị trí lò phản ứng số 4 là lò phản ứng số 3 đã ngừng hoạt động từ ngày 06/12/2000.
Ông Lieutenant Colonel Leonid Telyatnikov, khi ấy còn là Đội trưởng Đội Cứu hỏa Thành phố Pripyat – lực lượng tham gia khống chế ngọn lửa trong vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, đang chỉ vào vị trí lò phản ứng số 4 bị hư hỏng trong một bức ảnh chụp trước đó. Kể từ sau vụ nổ, lò phản ứng này đã bị chôn vùi trong các mảnh vỡ bê tông.
Công tác sửa chữa, khắc phục hậu quả ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine) bắt đầu được triển khai từ ngày 01/10/1986. Theo số liệu thống kê chính thức, tai nạn hạt nhân ngày 26/4 tại nhà máy này đã làm ảnh hưởng đến 3.235.984 người Ukraine và lan tỏa những đám mây phóng xạ trên khắp lãnh thổ châu Âu.
Một nhân viên thuộc Viện Hạt nhân Kurchatov bước lần theo những vệt ánh sáng chiếu qua các khe hở trên mái của một căn phòng bị xi măng vùi lấp tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hôm 15/9/1989, hơn 3 năm sau thảm họa lịch sử.
Phần mái nhà máy bị đổ sập và hư hỏng nặng sau thảm họa vào thời điểm bức ảnh trên được chụp lại (13/10/1991) vẫn nằm nguyên chỗ cũ.
Hình ảnh bãi thải những phương tiện bị nhiễm xạ nặng gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl chụp ngày 10/11/2000. Tham gia trận chiến dập tắt vụ nổ lò phản ứng có khoảng 1.350 trực thăng quân sự Xô Viết, xe buýt, máy ủi đất, ô tô xi téc, xe tải lớn, xe cứu hỏa và xe cứu thương. Tất cả trong suốt quá trình dọn dẹp hiện trường đều bị nhiễm phóng xạ.
Quang cảnh u ám, thiếu sinh khí ở “thành phố ma” Pripyat 20 năm sau thảm họa. Trước đây, thành phố này vốn là nơi cư trú của 47.000 người, tuy nhiên, khi xảy ra vụ nổ hạt nhân tồi tệ tại nhà máy điện Chernobyl thì Pripyat chỉ còn là một thành phố hoang phế, không một bóng người.
Vài chiếc nôi trẻ em đứng bơ vơ, lạnh lẽo trong một phòng bệnh bỏ hoang càng làm cho bầu không khí của “thành phố ma” trở nên thê lương, ảm đạm.
Một người đàn ông về thăm lại ngôi nhà thân yêu đã bị hư hỏng nặng sau vụ nổ kinh hoàng ngày 26/4/1986.
Vyacheslav Konovalov, thành viên Học viện Khoa học Ukraine (UAS), tay cầm một con ngựa non đã bị đột biến để nghiên cứu các tác động gây đột biến sinh học xuất hiện sau thảm họa.
Nữ y tá tại một phòng khám chữa bệnh ở Warsaw (Ba Lan) cố gắng truyền i-ốt vào cơ thể bé gái 3 tuổi nhằm phòng tránh nguy cơ nhiễm độc phóng xạ.
Do bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức cao nên ngay từ khi sinh ra, cô bé 9 tuổi tên Anya Savenok này đã phải hứng chịu những tác động vật lý trên chính cơ thể mình. Theo dự đoán của các bác sỹ, những di chứng ấy sẽ không thể chữa lành được.
Các em học sinh cùng đeo khẩu trang bảo vệ tại một trường học ở Rudniya, nằm ngay bên ngoài khu vực bị nhiễm xạ.
Bà Nastasya Vasilyeva (67 tuổi) nghẹn ngào xúc động khi đứng trước ngôi nhà của mình. Không thể phủ nhận, vụ nổ hạt nhân Chernobyl tại Ukraine đã đẩy hàng chục ngôi làng rơi vào tình trạng nhiễm xạ trực tiếp, buộc người dân trong làng phải nhanh chóng di tản đến nơi ở mới. Song, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ nhiễm phóng xạ, cư dân ở một số ngôi làng vẫn quyết trở về nhà để sống nốt phần đời còn lại.
Người đàn ông này đang thắp nến tại đài tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong thảm họa Chernobyl lịch sử ở Slavutich, cách địa điểm xảy ra vụ nổ khoảng 50km.
Một hướng dẫn viên cầm trên tay chiếc máy đếm Geiger biểu thị mức độ phóng xạ tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào thời điểm 16/9/2010 vẫn ở mức cao gấp 37 lần bình thường. Mỗi năm có tới hàng nghìn du khách đến thăm Chernobyl – minh chứng một thời cho thảm họa hạt nhân được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.
Quạ đen giờ trở thành vị khách thường xuyên của “vùng đất chết” dù 26 năm đã trôi qua. Hình ảnh một con quạ đậu trên cột trụ, bình thản sải rộng đôi cánh như không e sợ bất cứ điều gì trong khu vực bán kính 30km quanh lò phản ứng hạt nhân Chernobyl gần địa phận làng Babchin (Belarus) cơ hồ như một nỗi ám ảnh dai dẳng, báo hiệu rằng bóng tối vẫn đang bao phủ lên Pripyat – nơi một thời nhịp sống còn tấp nập, tràn đầy hơi thở của con người.