ThienNhien.Net – Đây là cảnh báo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trước khả năng giá lương thực tăng cao có thể gây mất an ninh lương thực toàn cầu.
Ngày 23/4, báo cáo “Giám sát toàn cầu” của IMF và WB nhấn mạnh nông nghiệp và dinh dưỡng vẫn không nằm trong các ưu tiên trọng điểm của chiến lược phát triển. Vì vậy, thực tế này có thể dẫn đến thảm họa nghiêm trọng hơn do cơn lốc tăng giá lương thực mới bùng phát dữ dội hơn các cơn lốc tăng giá lương thực trước đây.
Khủng hoảng lương thực do giá lương thực tăng đột biến năm 2007 – 2008 đã đưa số người nghèo đói trên thế giới lên hơn 1 tỷ người. Tuy giá lương thực đã giảm xuống trong năm 2009 nhưng lại tăng cao trở lại trong năm 2011 do thời tiết biến đổi, giá dầu tăng và lượng lương thực được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học tăng cao.
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) cho biết, đầu tháng 4/2012, giá lương thực tiếp tục tăng và hiện đã cao hơn giá lương thực trong thời kỳ khủng hoảng 2007 – 2009, khiến lạm phát trên toàn cầu nghiêm trọng hơn trong khi vùng đệm an toàn chính sách kinh tế vĩ mô ở các nước thu nhập thấp vẫn chưa kịp phục hồi.
IMF và WB nhấn mạnh, mặc dù các chính phủ trên thế giới đã đưa an ninh lương thực lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự phát triển nhưng trên thực tế, ưu tiên này vẫn chưa biến thành hành động. Cộng đồng quốc tế vẫn không thúc đẩy một thỏa hiệp nào đảm bảo giá lương thực sẽ ổn định trong tương lai gần. Chi tiêu cho dinh dưỡng chỉ chiếm chưa đầy 0,3% tổng chi tiêu quốc tế. Viện trợ quốc tế dành cho nông nghiệp, lương thực và dinh dưỡng chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng cam kết viện trợ năm 2010 và suốt 30 năm qua, thế giới vẫn tiếp tục xu thế coi nhẹ sản xuất nông nghiệp.
Cho đến nay, nông nghiệp vẫn chưa nằm trong những ưu tiên phát triển mới và cộng đồng quốc tế vẫn không được trang bị đủ các công cụ để đối phó với một cơn lốc tăng giá lương thực mới.