ThienNhien.Net – Trên đường dẫn vào Khu di tích Cách mạng Lào ở thôn Đá Bàn xã Mỹ Bằng (Yên Sơn – Tuyên Quang) có một trang trại khá quy mô, rộng hơn 30 ha với rừng trồng keo, khu nuôi ong mật, ao thả cá, ao nuôi ba ba… không ai nghĩ chủ nhân của nó lại là một ông già đã ngoại thất thập. Thế nhưng sự thật hiển hiện ngay trước mắt khiến chúng tôi thán phục và không ngớt trầm trồ khi nghe ông kể lại quãng thời gian ông một mình đeo tay nải vào nơi đất hoang trồng cây, gây dựng trang trại…
30 năm một cơ đồ
Một lần được ngồi trong ngôi nhà nhỏ bên một ao cá, nghe tiếng chim kêu ríu rít từ phía khu rừng keo lai vọng lại, hít thở không khí trong lành thoảng qua trong sương sớm khiến con người thêm khoan khoái. Ông Hoàng Đức Hoè năm nay đã bước sang tuổi 75 nhưng trông ông thư thái, nước da hồng hào khiến người ta dễ lầm tưởng ông là cán bộ nghỉ hưu về quê vui thú điền viên. Bên chén rượu mật ong ngọt lịm, ông Hoè bắt đầu câu chuyện từ cái ngày ông còn là bộ đội đi xây dựng các vùng kinh tế mới.
Ông Hoè sinh năm 1937, lớn lên ông đi bộ đội và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc Chiến dịch ông cùng đơn vị chuyển sang xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà (Yên Bái) rồi về xây dựng Khu công nghiệp Gò Đầm (Thái Nguyên)… công việc nay đây mai đó khiến vợ ông ở nhà cứ lo ngay ngáy. Năm 1960 bà quyết định nghỉ dạy học theo ông về làm công nhân nấu ăn ở Trường sỹ quan pháo binh Sơn Tây cho gần chồng. Những tưởng cuộc sống của 2 vợ chồng ông sẽ gắn bó mãi với mảnh đất cửa ngõ thủ đô thì năm 1968 ông được điều về Mỹ Bằng để chuẩn bị cho việc xây dựng Nhà máy Y cụ II của Bộ y tế tại đây (sau này lại có quyết định chuyển địa điểm lên Khu công nghiệp Gò Đầm – Thái Nguyên).
Đúng lúc này ông Hoè xin nghỉ mất sức, vợ ông cũng xin ra khỏi ngành để được ở lại quê hương, cùng ông gây dựng kinh tế. Ở quê làm ruộng chưa đầy 3 tháng ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư đoàn xã. Giờ đến Mỹ Bằng gặp những người cùng thời với ông hỏi thăm ai cũng không ngớt lời khen ngợi người Bí thư đoàn năng nổ năm ấy đã dìu dắt phong trào đoàn của xã phát triển mạnh, đào tạo được nhiều đoàn viên ưu tú giới thiệu cho tổ chức Đảng. Hết gắn bó với phong trào đoàn ông Hoè còn chuyển sang làm ở bộ phận thống kê của xã rồi Chủ nhiệm Hợp tác xã, … ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được mọi người quý mến.
Suốt 30 năm làm việc cần mẫn trong quân đội rồi công tác ở nhiều vị trí khác nhau ở UBND xã thì năm 1991 ông đột ngột xin nghỉ để “bỏ nhà” vào nhận đất trồng rừng theo chủ trương giao đất, giao rừng của tỉnh. Lúc bấy giờ, ông Hoè xin mượn toàn bộ diện tích đất thuộc khu vực Rộc Pháo Bông thuộc thôn Đá Bàn sau đó vận động bà con trong xã vào cùng trồng rừng. Thế nhưng vận động mãi cũng chẳng ai nhận, một mình ông lặng lẽ trốn vợ kéo theo chiếc xe bò cũ vào khu đất mọc toàn cây cỏ dại ấy dựng lều trồng rừng.
Nhiều người thấy vậy thì cho rằng ông là người thần kinh không bình thường, có người độc mồm thì nói “khéo lại thành con ma rừng đói…”. Mặc cho bao lời can ngăn của mọi người, ông Hoè vẫn quyết bám trụ nơi đất hoang để phát cỏ, gieo những “mầm sống” đầu tiên trên đất khó…
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
Nhớ lại những năm tháng mới bắt tay vào trồng rừng nơi đất hoang ấy ông Hoè tâm sự: “Hồi ấy toàn bộ khu trang trại của tôi bây giờ ngập tràn lau sậy và những loại cây tạp. Đêm nằm ngủ còn nghe tiếng hươu, nai gọi nhau không dứt, gà rừng thì nhiều vô kể…”. Giữa thiên nhiên hoang vu chỉ có tiếng gió ngàn và làm bạn với gà rừng nhưng không lúc nào ông Hoè nản chí. Vài tháng ông lại ra khỏi “căn cứ” của mình một lần để lên Trung tâm Lâm nghiệp tỉnh xin hạt keo giống và bạch đàn về tự ươm. Sẵn có kiến thức từ thời còn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nên việc ươm hạt giống vào bầu đối với ông chẳng có gì là khó.
Hơn 3 năm ăn rau rừng, uống nước suối…với những người khác có lẽ là một cực hình nhưng với ông Hoè đó là những tháng năm đầy ắp kỷ niệm đẹp. Người ta gọi ông là “người rừng” cũng không sai bởi ông có thể tha thẩn trong rừng chăm sóc cây mới trồng cả ngày trời mà không thấy mệt. Những thớ đất khô cằn được ông cuốc lên để thả những bầu cây giống non mơn mởm vào đó. Rồi ông vác từng thùng nước từ ao lên tưới…cứ cần mẫn như con ong thợ đem từng giọt mật vàng về xây tổ, chẳng bao lâu cả khu đất hoang ấy đã phủ kín một màu xanh bạt ngàn của bạch đàn, keo lai.
Lần vào thăm được tận mắt chứng kiến sự tận tâm và ý chí trồng rừng của “ông xã”, vợ ông đã đồng ý dỡ nhà ngoài Làng Ngòi vào rừng để được cùng ông chia ngọt sẻ bùi. Có bàn tay chăm sóc của bà, ông có thêm nguồn động viên càng ra sức trồng thêm rừng, đào và mở rộng thêm ao nuôi cá. Năm 1998 ông xuống Phú Thọ, Hà Nội mua gần 100 gốc bưởi Đoan Hùng và bưởi Diễn về trồng ở những khu đất thấp ven ao. Hai vợ chồng ông mải miết làm, chăm sóc cho những vườn cây, vật nuôi trong trang trại…bán được bao nhiêu gà, cá ông lại dồn cả vào việc mua thêm cây giống, vật nuôi mới.
Thời bấy giờ những người dân ở Mỹ Bằng còn khá lạ lẫm với việc phát triển kinh tế nông nghiệp kết hợp nên mô hình kinh tế Vườn – Ao – Chuồng của ông Hoè được xem như là một bước đột phá, người đi tiên phong trong phong trào xây dựng kinh tế trang trại tại địa phương. Cũng chính vì thế mà năm 1990 khi lên Tuyên Quang dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trang trại của ông đã vinh dự được Tổng Bí thư Đỗ Mười ghé thăm và động viên.
Ông quyết định vay thêm vốn để mở rộng diện tích khu trang trại, xây dựng chuồng trại nuôi gà, vịt đẻ và ngăn ao nuôi cá một cách quy củ… Năm 1996 ông bán 5 ha bạch đàn được trên 30 triệu, năm 2002 bán trên 2 ha keo lai được gần 100 triệu, thu nhập từ trang trại của ông Hoè cứ tăng dần theo từng năm. Năm 2004 ông là một trong những gia đình tiêu biểu ở Mỹ Bằng xây được nhà 2 tầng khang trang, các con ông đều được nuôi ăn học đầy đủ và công tác ở các cơ quan Nhà nước.
Hiện nay, ông là chủ của trên 20 ha rừng keo lai gần chục năm tuổi, chưa kể việc tham gia chương trình giao đất, giao rừng và nhận trồng rừng theo chương trình 327 và 661 ông đã trồng được gần 40 ha. Khỏi phải nói, sự lặng lẽ của ông đã khiến những người xung quanh phải “tâm phục khẩu phục” như thế nào. Ông Đỗ Văn Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng không ngớt khen: “Ông Hoè là một điển hình đi đầu trong phong trào trồng rừng tại xã. Ông ấy còn là một người Cựu chiến binh tiêu biểu thể hiện phương châm tuổi già trí càng cao…”.
Tuổi tác không ngăn cản sự ham học hỏi và tìm tòi cái mới ở những người như ông. Hàng ngày, ông vẫn mò tìm trong sách báo, tài liệu về kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại. Một lần, qua ti vi ông thấy mô hình nuôi gà sao tại một gia đình ở Ninh Thuận khiến ông cứ trăn trở mãi. Ông suy nghĩ : “Ở đó có đồi núi, mình cũng có đồi núi tại sao không ai nuôi giống gà đặc sản có giá trị kinh tế cao này…”. Thế là mấy ngày sau khi xem xong chương trình, ông Hoè bắt ngay xe về Hà Nội, ông đến tận trại giống Trung ương mua hơn chục con gà sao giống về nuôi. Đến nay, hơn chục con gà giống ấy đã sinh sôi nảy nở lên thành hơn 100 con, ông Hoè cho biết sẽ bán gà ra thị trường tết năm nay. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình ông còn nuôi và nhân giống các đàn ong mật, đến nay ông đã có gần 40 tổ ong mật và trở thành một địa chỉ chuyên cung cấp ong giống cho bà con trong xã, trong tỉnh.
Có thể nói, với những gì đã làm được, ông trở thành một điển hình của địa phương về sự dám nghĩ dám làm đã thay đổi phương thức làm ăn để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Trò chuyện với chúng tôi về những dự định trong tương lai ông hào hứng: “ Khu vực trang trại này rất gần với Khu di tích Cách mạng Lào, gần với Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm. Nếu kết hợp tốt giữa du lịch suối khoáng và du lịch sinh thái thì trang trại sẽ trở thành một địa điểm lý tưởng. Sau khi tắm suối nước nóng thư giãn khách du lịch sẽ vào trang trại nghỉ ngơi, ăn uống và thăm quan. Khi trở về quà cho họ có thể là những chai mật ong rừng nguyên chất, những con gà Sao đặc sản…”.
Viễn cảnh ấy được chia sẻ từ một “ông già” ngoài 70 tuổi khiến tôi và người đồng nghiệp đi cùng cứ trầm trồ mãi. Trước khi chia tay ông còn nhắn nhủ: “Các chú đi nhiều nơi nếu thấy chỗ nào nuôi nhiều lợn rừng thì mách nhé, tôi đang có dự định nuôi thử nghiệm trên khu đồi…”.
Đường về của chúng tôi qua những đồi chè bạt ngàn xanh mướt, từng dòng xe mang các biển số khác nhau từ các tỉnh khác liên tục tấp vào Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, chợt nhớ đến ông già Đá Bàn!