ThienNhien.Net – Chỉ tính riêng ở xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng từ năm 2005 đến nay đã có cả chục người thiệt mạng vì quặng. Khai thác khoáng sản tự phát ở những tỉnh miền núi như Cao Bằng không phải là một câu chuyện mới nhưng việc “chảy máu tài nguyên” đi cùng những đau thương mất mát từ việc khai thác khoáng sản vẫn luôn là một nỗi đau dai dẳng giữa miền sơn cước.
Người dân bản Khuông còn nhớ cái chết của hai thanh niên hồi năm 2005 vì nghiện hút mà nửa đêm mò ra mỏ quặng hưởng “sái”, chẳng may lò sập. Đống quặng sắt quá nặng nên phải một thời gian sau người ta mới đưa được thi thể ra ngoài.
Năm 2007 xảy ra vụ chết thảm của 3 học sinh khi các em vào mỏ moi quặng mong kiếm tiền đỡ bố mẹ. Cũng trong năm ấy, chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Đoài Côn lên Thông Huề mót quặng, chẳng may bị sạt taluy vào trúng sống lưng. Nhà nghèo, chồng ốm đau liên miên nên chị theo người làng đi mót quặng.
Chị được đưa đi cấp cứu và nằm ở Bệnh viện Việt Đức dưới Hà Nội, nhưng rồi hơn nửa tháng sau các bác sĩ cũng đành đầu hàng, khuyên gia đình đưa chị về quê. Từ khi tai nạn đến nay, chị nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt đều nhờ cậy người cha già ốm yếu. Bố đẻ chị vốn là một lão thành cách mạng. Bao năm thử lửa chiến tranh không làm ông nao núng, nhưng nay về nhìn con gái vì kiếm sống mà lâm vào cơn bĩ cực, ông không khỏi đau lòng: “Vì quặng chú ạ, người ta đi mót, con gái tôi nó cũng đi vì nếu không đi thì gia đình chết đói, ai ngờ…”.
Khi chị Nhung gặp nạn, anh Nghĩa chồng chị cũng đang phải điều trị vì mấy tháng trước đó đi mót quặng bị đám thanh niên xã bên đánh tơi bời. Không chỉ mình anh Nghĩa, một số thanh niên ở xã Đoài Côn và các xã lân cận cũng bị dọa đánh, chỉ vì… quặng.
Đi qua các địa điểm khai thác quặng ở các huyện Nguyên Bình, Quảng Uyên, Thạch An, Trùng Khánh, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh người dân công khai tập kết và buôn bán quặng ngay ven đường đem bán.
Huyện Trùng Khánh là một trong những điểm nóng về tình trạng phá núi khai thác quặng. Người ta không còn lấy làm lạ khi bắt gặp vô số những vũng, hố lớn, hậu quả của việc đào đất, móc núi lấy quặng sắt.
Tại xã Thông Huề, tình trạng khai thác quặng tự phát đã diễn ra vào những năm 1991. Vào thời điểm quặng được giá có tới gần 2000 người đổ về đây “vồ”, “mót” quặng, thậm chí còn xảy ra tình trạng tranh cướp quặng của nhau, như lời phân trần khó thuyết phục của ông chủ tịch xã Thông Huề rằng: “cũng vì miếng cơm manh áo cả thôi”.
Ông Nông Lưu Đồng – Trưởng bản Khuông nhẩm tính: “Nếu tính cả những người nơi khác đến mót quặng thì hơn 10 người bị chết rồi. Chết vì sập mỏ, chết vì đá đè rồi chết vì đánh nhau tranh giành địa bàn. Có một dạo công an của huyện vào dẹp nhưng cũng chẳng khấm khá hơn”.