ThienNhien.Net – Ngày này đúng 2 năm về trước (20/4/2010) đã đánh dấu một mốc đáng nhớ với thế giới, và đặc biệt là người dân Mỹ, khi giàn khoan dầu sâu nhất thế giới Deepwater Horizon của Tập đoàn Dầu khí BP (Anh) trên vịnh Mexico bất ngờ phát nổ, làm 11 công nhân thiệt mạng và khoảng 4,9 triệu thùng dầu loang dần trên biển. Điều đáng buồn là 2 năm đã trôi qua, thảm họa tràn dầu vẫn để lại những tàn dư.
Hậu quả dai dẳng
36 giờ sau khi phát nổ, giàn khoan dầu Deepwater Horizon đã bị chìm xuống lòng biển khơi, gây ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Deepwater Horizon là giàn khoan do BP phối hợp với Transocean – một trong những nhà thầu giàn khoan lớn nhất thế giới – thiết kế xây dựng, nhằm mục đích khai thác giếng dầu Tiber nằm ở độ sâu trên 9,5km ngoài khơi Louisiana.
Khi thảm họa xảy ra, người ta ước tính mỗi ngày có tới hơn 750.000 lít dầu thô bị rò rỉ từ giàn khoan, mặt biển bị dầu loang rộng tới khoảng 9.000km2. Hắc ín và dầu loang không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn trực tiếp phá hủy các hệ sinh thái cửa sông Mississippi và vùng đầm lầy ngập mặn dọc duyên hải bang Louisiana của Mỹ.
Kết quả khảo sát tại một địa điểm gần vịnh Mexico cho thấy sau thảm họa tràn dầu, các hệ sinh thái san hô nằm cách mặt biển 1.220m ở khu vực này đều bị ảnh hưởng, một số rạn san hô dần bị tẩy trắng hoặc biến màu. Nhiều động, thực vật sinh sống ở vùng đầm lầy ngập mặn Louisiana, Alabama và Mississippi chết thảm trong những vệt dầu loang.
Vài ngày kể từ khi giàn khoan dầu Deepwater Horizon phát nổ, trong khi người ta còn chưa kết luận chính xác nguyên nhân, hắc ín và dầu loang đã choán hết màu xanh dương của nước biển, màu xanh lá của cây cối ven bờ, thay vào đó là thứ màu vàng đen ảm đạm, thê lương bao trùm lên cả một vùng rộng lớn.
Không chỉ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái ven biển, lượng dầu bị rò ra từ khu vực giàn khoan của BP còn khiến đất đai tại một số hòn đảo bị ô nhiễm nặng nề, thảm thực vật bị héo úa rồi chết dần chết mòn. Các loài chim di trú – những vị khách dừng chân ở vùng đất này sau một hành trình dài mỏi mệt – cũng bị ảnh hưởng.
Qua khảo sát, các cơ quan chức năng phát hiện có một tỷ lệ không nhỏ người dân bang Louisiana, Alabama, Texas, Florida và Mississippi đã biểu hiện một số triệu chứng bệnh lý như dị ứng, lở loét, cùng những dấu hiệu bất thường trong gan, phổi, máu, tuyến giáp hoặc hệ thần kinh… Nguyên do chính được đưa ra lý giải cho các triệu chứng trên là hiện tượng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm hệ sinh thái từ những vệt dầu loang trong thảm họa lịch sử.
Cùng với đó, ngành công nghiệp cá và du lịch của các bang nói trên của Mỹ cũng hứng chịu tác động khi sản lượng đánh bắt tôm, cua, cá và các loài hải sản khác của ngư dân mỗi ngày một kém. Thậm chí, nhiều nơi đã ngừng thu mua hải sản có xuất xứ từ đây vì lo ngại nhiễm độc. Nước biển và những bãi cát ven bờ cũng nhuốm đầy dầu và hắc ín, làm phá sản ngành du lịch địa phương… Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bang Louisiana, với ước tính thiệt hại ban đầu không dưới 4 tỷ USD, chưa kể chi phí thực tế đối với hệ sinh thái và sinh kế người dân chưa được đánh giá một cách đầy đủ.
BP có thực sự nỗ lực khắc phục?
Một năm sau thảm họa tràn dầu, Tập đoàn Dầu khí BP tuyên bố đã thu hồi hầu hết (khoảng 90%) lượng dầu loang. Tuy nhiên, theo điều tra của Cơ quan quản lý ngành đánh bắt hải sản và cuộc sống hoang dã bang Louisiana thì lượng dầu đã thu hồi chỉ nằm ở bề mặt, còn một lượng lớn dầu bị rò ra từ giếng dầu Tiber trước khi được bịt lại đã thấm vào đất đai, cây cỏ hoặc chìm xuống đáy biển, không dễ gì thu hồi được. Về lâu dài, lượng dầu này sẽ tiếp tục ảnh hưởng, để lại di chứng trên các hệ sinh thái vùng ven và gây trở ngại cho cuộc sống con người.
Các nhà hoạt động môi trường nhìn nhận suốt quá trình khắc phục hậu quả kéo dài 2 năm qua, BP vẫn chưa cho thấy những nỗ lực thực sự nhằm bù đắp thiệt hại khổng lồ họ đã gây ra, mức thiệt hại mà người ta cho là vượt xa cả hậu quả vụ tràn dầu lịch sử Exxon Valder năm 1989. Chỉ biết rằng sau sự cố, BP ngay lập tức đổ lỗi cho các công ty có liên quan và liên tiếp dính vào các vụ kiện tụng, giải trình trách nhiệm với Chính phủ và người dân Mỹ.
Mặc dù để khắc phục sự cố, Tập đoàn Dầu khí lớn của Anh đã phải thu hẹp quy mô, bán đi khối tài sản trị giá 30 tỷ USD (tương đương 20% trị giá tài sản của mình) trang trải cho các án phạt, công tác dọn dẹp, chương trình tái thiết, bồi thường, đền bù phá hủy sinh thái, hoạt động kinh doanh, du lịch và phục hồi danh tiếng, song cho đến nay hậu quả vẫn còn tồn tại.
Đáng nói nhất phải kể tới việc BP sử dụng hơn 4 triệu lít hóa chất phân tán dầu Corexit phun xuống khu vực dầu tràn nhằm giảm thiểu tác hại của dầu loang. Tuy được cho là không ảnh hưởng đến môi trường biển nhưng các chất phân tán này lại ảnh hưởng đến sinh vật thông qua con đường tích tụ sinh học – một dạng tích lũy độc tố trong cơ thể sinh vật, gây nguy hại cho sự sống của các loài hải sản cũng như cho sức khỏe con người.
Sau gần 2 năm theo đuổi các vụ kiện tụng, ngày 18/4 vừa qua, BP mới đạt được thỏa thuận chi trả 7,8 tỷ USD bồi thường về tài sản, kinh tế và sức khỏe cho bên nguyên gồm hơn 100.000 cá nhân và doanh nghiệp có liên quan tới thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico năm 2010. Số tiền chi trả trên thực tế có thể thấp hoặc cao hơn 7,8 tỷ USD, phụ thuộc vào tiến trình bồi thường. Những nguyên đơn không hài lòng với thỏa thuận có quyền theo đuổi vụ kiện một cách độc lập. Và rất có thể, BP sẽ phải bồi thường thêm hàng tỷ đô la nữa cho Chính phủ Mỹ, các bang ven vịnh Mexico và các đối tác bị ảnh hưởng như Công ty Transocean, Công ty Halliburton…
Nhớ lại trước thảm họa tràn dầu lịch sử trên vịnh Mexico, Tập đoàn Dầu khí BP đã từng bị tai tiếng bủa vây khi để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng, trong đó có vụ nổ nhà máy lọc dầu ở Texas năm 2005 làm 15 người thiệt mạng và vụ tràn hơn 750.000 lít dầu trong khu vực biển bang Alaska năm 2006…
Báo chí quốc tế mạnh tay phê phán BP bất chấp búa rìu dư luận và vẫn tiếp tục đánh bóng hình ảnh bằng cách trở thành một trong ba nhà tài trợ chính cho Thế Vận hội Olympic 2012 tại Luân Đôn (Anh) bên cạnh hai tên tuổi cũng nhiều tai tiếng không kém là Công ty Hóa chất Dow (Hoa Kỳ) và Công ty Khai khoáng Rio Tinto (Úc). Người ta cũng chê trách rằng thậm chí, hãng còn tự bỏ tiền ra mua cái danh “Đối tác Bền vững”, trong khi luôn bị đánh giá là một trong những doanh nghiệp hoạt động thiếu bền vững nhất trên toàn cầu.