ThienNhien.Net – Trong bối cảnh sự sinh tồn của các loài khỉ hình nhân, nhóm linh trưởng có quan hệ gần gũi nhất với con người, đang ngày càng bị đe dọa, Sandra Tranquilli và các đồng nghiệp của cô là những viên ngọc sáng mang lại hy vọng bảo tồn. Gửi gắm sự nghiệp và tâm huyết vào nghiên cứu để bảo vệ và phát triển các loài khỉ hình nhân, Sandra là tác giả chính của báo cáo mang tên “Thiếu nỗ lực bảo tồn là nguyên nhân thúc đẩy nguy cơ tuyệt chủng của loài khỉ hình nhân ở châu Phi” – một công trình được trao giải Bức thư Bảo tồn năm 2011.
Dưới đây là những chia sẻ của Sandra Tranquilli trên chuyên trang điện tử về bảo tồn thiên nhiên Mongabay.com.
– Chào Sandra, ngọn gió nào đã đưa cô đến với hoạt động bảo tồn các loài khỉ hình nhân?
Sandra Tranquilli: Tôi bắt đầu quan tâm tới hành vi động vật và hệ sinh thái ngay từ khi còn bé. Dần dà, tôi bị cuốn hút vào việc quan sát các loài côn trùng, chim và động vật có vú nhỏ ngay trong vườn nhà, thậm chí còn gây nhiều phen kinh hãi cho các thành viên trong gia đình khi mang chúng vào nhà hoặc trở về với một cái sọ của con vật nào đó, hay những thứ đại loại như thế. Đến năm 11 tuổi, cũng có thể nhỉnh hơn một chút, tôi đã bí mật đem về một con dơi bị gẫy cánh và lén giấu nó trong phòng ngủ của mình. Mặc dù sau đó bị mẹ phát hiện và gặp không ít rắc rối, song cũng nhờ vậy mà sau này tôi có cơ sở để nghiên cứu.
Khi bay sang châu Phi nhiệt đới để hoàn thành nghiên cứu tốt nghiệp, tôi đã thực sự bị sốc vì nhìn thấy thịt thú rừng xuất hiện la liệt ở các khu chợ. Cũng tại đây, tôi mới lần đầu được chứng kiến nạn phá rừng khai thác gỗ và đốt rừng làm nương rẫy đang hoành hành dữ dội như thế nào. Giữa lúc ấy, trái tim và ý nghĩ bất giác mách bảo tôi rằng phải làm điều gì đó để bảo vệ những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, bảo vệ nơi sinh sống tự nhiên của chúng. Và khỉ hình nhân chính là một trong những nhóm loài nguy cấp, cần nhanh chóng được bảo tồn trước khi quá muộn.
– Báo cáo “Thiếu nỗ lực bảo tồn là nguyên nhân thúc đẩy nguy cơ tuyệt chủng của loài khỉ hình nhân ở châu Phi” nhắc khá nhiều đến các khu quản lý tài nguyên ở châu Phi. Liệu khu quản lý tài nguyên và khu bảo tồn có phải là một?
Sandra Tranquilli: Thuật ngữ khu bảo tồn dường như được dùng phổ biến hơn, nhưng nó dễ dẫn tới những cách hiểu sai lệch bởi nhiều khu bảo tồn hiện nay chỉ tồn tại trên giấy, mang tính hô hào nhiều hơn là hành động thực tiễn hoặc hiệu quả không cao vì rất nhiều nguyên nhân: do tham nhũng, do kinh phí ít ỏi, do chính sách bảo vệ môi trường yếu kém hoặc có thể do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội trong nội bộ một quốc gia.
– Đối với các loài khỉ hình nhân ở châu Phi, nên áp dụng chiến lược bảo tồn nào là phù hợp?
Sandra Tranquilli: Xét kỹ ra, chỉ khi xuất hiện những hoạt động bảo tồn dài hạn mới có thể làm nên điều kỳ diệu. Các chiến lược bảo tồn càng được duy trì lâu thì cơ hội cứu loài càng lớn, trong đó cần đặc biệt lưu ý tới 4 hoạt động chính với mức độ ưu tiên lần lượt như sau: giám sát, bảo đảm việc thực thi pháp luật; triển khai bảo tồn trong cộng đồng; du lịch và nghiên cứu.
– Cô nhìn nhận thế nào về vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGO)?
Sandra Tranquilli: Không dễ để nhận xét tất cả chỉ trong một vài từ, bởi họ có những lĩnh vực theo đuổi khác nhau, nơi thì làm về giáo dục bảo tồn, một số khác lại thúc đẩy thực thi pháp luật, giúp dân địa phương ổn định sinh kế hoặc chỉ đi sâu vào nghiên cứu…, vì vậy mà mỗi tổ chức hướng đến những đối tượng riêng của mình. Nhưng nhìn chung, họ đều có những đóng góp nhất định trong từng lĩnh vực bảo tồn cụ thể mà họ tham gia. Tất nhiên cũng cần phải thừa nhận thêm rằng thành công của một dự án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như sự đầu tư, kiến thức về bảo tồn, mức độ tham gia của người dân địa phương…
– Qua kinh nghiệm làm việc với các NGO, cô đánh giá ra sao về khoảng cách đầu tư cho bảo tồn giữa NGO trong nước và NGO quốc tế?
Sandra Tranquilli: Quả là một câu hỏi rất thú vị, nhưng chúng ta khoan hãy bàn về vấn đề này. Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng các tổ chức phi chính phủ quốc tế thường huy động được tiềm lực tài chính hiệu quả hơn và tiếp cận tốt hơn với các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, chỉ nên đo đếm thành quả bảo tồn dựa vào việc họ hoạt động trong bao lâu và mức độ liên tục của hoạt động đó như thế nào.
– Với trường hợp bảo tồn nhóm khỉ hình nhân ở châu Phi, liệu việc các nước phương Tây rót vốn cho châu Phi như hiện nay có được coi là tạm đủ?
Sandra Tranquilli: Không chỉ vốn mà ngay cả các yếu tố khác góp phần làm nên thành công của hoạt động bảo tồn đều chưa thể cho là đủ. Vì vậy, một mặt, chúng ta cần thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, mặt khác cần phải tối đa hóa hiệu quả của các nguồn lực tài chính sẵn có phục vụ cho công tác bảo tồn.
– Các quần thể khỉ hình nhân trên thế giới ngày nay đang rơi vào khủng hoảng và có thể biến mất vĩnh viễn trong tương lai không xa. Ngoài bộ giải pháp trên, chúng ta còn có thể làm gì để tăng dòng đầu tư cho hoạt động bảo tồn, nhằm sớm đưa chúng ra khỏi nguy cơ tuyệt chủng?
Sandra Tranquilli: Hãy cố gắng noi gương các nhà nghiên cứu và bảo tồn đang nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính phủ, các nhà hảo tâm và người dân nói chung về tình trạng nguy cấp của nhóm khỉ hình nhân! Về phần mình, chúng tôi cũng sẽ liên tục cập nhật các dữ liệu về quần thể, môi trường sống và kết quả khảo sát mới về nhóm khỉ hình nhân, giúp nhận dạng những điểm yếu, triển khai những nghiên cứu sâu hơn và góp phần đưa công tác bảo tồn gắn với cơ sở khoa học chứ không chỉ dựa vào lời nói suông.