ThienNhien.Net – Đây là ý kiến chung của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp về những vấn đề lớn của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) diễn ra hôm 11/4 vừa qua.
Theo đó, Luật quy định các tổ chức, cá nhân khai thác nước mặt để phát điện có mục đích thương mại; khai thác nước mặt, nước ngầm để cấp nước phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ và hoạt động sản xuất phi nông nghiệp; khai thác sử dụng mặt nước sông, hồ, mặt nước biển nhằm mục đích kinh doanh, dịch vụ tập trung với quy mô lớn thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Tuy nhiên có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các trường hợp, đối tượng phải nộp tiền, không phải nộp tiền khi khai thác tài nguyên nước; cần quy định nguyên tắc, khai thác nước dưới đất hoặc nước mặt ở những nơi khan hiếm nước để kinh doanh thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Tại phiên họp lần này, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, bao gồm quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Song lại có ý kiến cho rằng không nên điều chỉnh vấn đề phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong dự thảo Luật vì vấn đề này sẽ do Luật phòng, chống thiên tai quy định.
Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với dự thảo Luật về các loại quy hoạch tài nguyên nước, bao gồm quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.