ThienNhien.Net – Một vụ phá rừng công khai, trong thời gian dài với quy mô lớn diễn ra ngay trước “mũi” các cơ quan chức năng vừa được phanh phui nhưng các đơn vị có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng lại đưa ra nhiều lý do để đùn đẩy trách nhiệm…
Phá rừng dễ như thu hoạch nông sản
Hơn nửa tháng nay, người dân Kông Chro (Gia Lai) vô cùng bức xúc khi chứng kiến lâm tặc ngang nhiên dựng lán trại, dùng cưa máy xẻ hàng loạt cây gỗ tại tiểu khu 757 cách trụ sở UBND xã Đak Pơ Pho chừng 3km, thậm chí khu vực này còn có cả kiểm lâm địa bàn và cán bộ bảo vệ rừng nhưng chẳng hề bị phát giác. Người dân trong khu vực không thể kìm lòng đã trực tiếp gọi điện báo cơ quan chức năng cấp cao để có biện pháp xử lý.
Nhận được tin báo, ngày 20/3, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện đội kiểm lâm cơ động số 1 tỉnh Gia Lai, Hạt kiểm lâm, Công an, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro, Công ty TNHH MTV Ia Pa do ông Phan Văn Trung, chủ tịch UBND huyện Kông Chro làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiểu khu 757 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa (huyện Kông Chro) quản lý.
Tại vị trí dân báo, đoàn phát hiện 4 địa điểm tập kết với tổng cộng 40 cây gỗ có đường kính trung bình 30 – 40cm, tổng khối lượng là 22,808 m3 gỗ gồm các loại Căm xe, Sến mủ, Cà chít, Bằng lăng đã được trảm hạ, xẻ thành khối hộp chỉ chờ vận chuyển ra khỏi rừng. Tiếp tục mở rộng điều tra, các cơ quan chức năng phát hiện thêm 153 gốc cây gỗ đã bị đốn hạ. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, ước tính tổng thiệt hại về gỗ rừng vào khoảng 80 m3.
Tại hiện trường, đoàn phát hiện đối tượng Hà Văn Thắng (33 tuổi, trú tổ 15, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, Gia Lai) có dáng vẻ khả nghi. Đoàn kiểm tra nhận định Thắng chính là nghi can của vụ việc này mặc dù y biện hộ rằng chỉ là dân đãi vàng đang trên đường ra khỏi rừng. Tuy nhiên, Thắng vẫn bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.
Ban đầu, Thắng khai nhận có hai đồng phạm gồm Nguyễn Ngọc Khánh và một người khác tên Hà, cùng là tác giả của hơn 22m3 gỗ đã xẻ hộp trên. Ngay sau khi hoàn thiện hồ sơ, Công an huyện Kông Chro đã khởi tố bị can Hà Văn Thắng. Thượng tá Lê Xuân Tuyến – Phó trưởng Công an huyện Kông Chro cho biết, hiện công an huyện đang gấp rút củng cố hồ sơ để bắt những đối tượng có liên quan đến vụ án và đang mở rộng điều tra ai là tác giả của 153 gốc gỗ đã bị đốn hạ.
Vào ngày 30/3, khi cơ quan chức năng trở lại hiện trường, dấu vết vụ tàn phá rừng vẫn còn mới nguyên, hàng trăm cây gỗ lớn tại lô 3, 4; khoảnh 3, 5 thuộc tiểu khu 757 nằm ngổn ngang chạy dài khoảng 3km.
Có một điều lạ là hiện trường vụ khai thác gỗ trộm này chỉ cách trung tâm xã Đak Pơ Pho, tổ kiểm lâm địa bàn và nơi ở của cán bộ Công ty Ia Pa quản lý chưa đầy 3 km nhưng lâm tặc lại có thể ngang nhiên ra tay triệt hạ hàng trăm cây lớn cả ngày lẫn đêm, trong suốt một thời gian dài mà không hề bị phát giác? Dư luận và người dân nơi đây đang nghi vấn rằng: Liệu có phải chính quyền và cơ quan quản lý bảo vệ rừng chính là những người tiếp tay cho lâm tặc không?
Trách nhiệm thuộc về ai?
Việc các cơ quan hữu trách khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiếp tục điều tra xử lý được nhân dân địa phương và dư luận đồng tình. Có điều sự việc nghiêm trọng lần này thì ai là người có lỗi?
Ông Trần Văn Minh- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Kông Chro nhận định: “Do khu rừng thuộc địa phận quản lý của Công ty Ia Pa, nghĩa là họ là chủ rừng nên trách nhiệm chính thuộc về họ. Còn kiểm lâm địa bàn chỉ chịu trách nhiệm liên đới vì không bám sát địa bàn. Chúng tôi sẽ có đề xuất các hướng xử lý tiếp theo.”
Còn ông Trần Ngọc Anh – giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa thì không đồng tình, cho rằng: “Cánh rừng bị phá thuộc quyền quản lý công ty là đúng, chúng tôi thừa nhận trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, phía kiểm lâm cũng không thể đổ hết trách nhiệm cho chúng tôi.”
Ông Anh nói thêm: “Chủ rừng ở đây được hiểu là UBND xã Đak Pơ Pho, Công ty Ia Pa, Kiểm lâm, UBND huyện Kông Chro. Thêm nữa, việc quản lý và bảo vệ rừng có quy chế là phải phối hợp với nhau, do đó không thể đẩy hết trách nhiệm cho riêng công ty Ia Pa. Trong vụ việc này, cánh rừng bị phá chỉ có một con đường độc đạo, lâm tặc muốn vận chuyển gỗ ra khỏi rừng phải đi qua trung tâm xã, tổ kiểm lâm địa bàn, không lý gì xã không biết, kiểm lâm địa bàn không hay.”
Cũng theo suy đoán của ông Anh, do lâu nay địa bàn này khá bình yên, thêm vào đó, lâm tặc lại lợi dụng ngày thứ 7, chủ nhật khi các cán bộ phụ trách địa bàn của Công ty thường về An Khê chăm cha mẹ đau ốm nên chủ quan, lơ là và không thể nắm bắt kịp thời. Ông Anh khẳng định thêm cánh rừng bị phá là rừng khộp, rừng sản xuất nhưng không cho khai thác và đó chỉ là rừng nghèo.
Trái ngược với ông Anh, lãnh đạo huyện và kiểm lâm Kông Chro đều khẳng định khu vực rừng bị phá là rừng trung bình chứ không phải rừng nghèo. Chuyện phá rừng xảy ra vào thời điểm cuối tuần chỉ là nguỵ biện, bởi để phá chừng ấy rừng (diện tích khoảng 10ha, trải dài gần 3km) ít nhất lâm tặc phải mất từ mươi đến mười lăm ngày.
Đôi bên kiểm lâm và Công ty chỉ đồng quan điểm khi nhận xét rằng do quân số mỏng, địa bàn rộng nên việc quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Không hài lòng về cách trả lời của các bên, ông Phan Văn Trung – Chủ tịch UBND huyện Kông Chro bức xúc: “Công ty Ia Pa là chủ rừng, Hạt kiểm lâm và kiểm lâm địa bàn cũng phải có trách nhiệm quản lý. UBND xã Đak Pơ Pho cũng phải có trách nhiệm liên đới.”
Ông Trung trăn trở với câu hỏi: Liệu có cán bộ nào của mình tiếp tay cho lâm tặc? Nếu có, họ phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc chịu chế tài kỷ luật theo quy định công chức nhà nước. Quan điểm của lãnh đạo huyện là chỉ đạo cơ quan công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sau đó sẽ xử lý nghiêm khắc các trường hợp phạm pháp theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Trung, đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước tới nay xảy ra trên địa bàn huyện và là vụ đầu tiên bắt được đối tượng phá rừng nên huyện sẽ chỉ đạo sẽ xét xử lưu động để làm gương cho người khác…
Một số hình ảnh hiện trường vụ khai thác rừng: