ThienNhien.Net – Người dân hưởng ứng phát triển vườn rừng là điều đáng mừng ở Bắc Kạn. Song những con số về tỉ lệ phủ xanh, vượt kế hoạch về diện tích trồng mới chưa đủ để người ta yên tâm rằng rừng Bắc Kạn đang chuyển biến tốt, quyền lợi của người trồng rừng và giữ rừng đang được đảm bảo.
Nhà nhà… trồng mỡ
Vừa phát quang đám cỏ tranh mọc quanh gốc mỡ mới trồng, anh Hoàng Văn Đô (tiểu khu 1, thị trấn Chợ Rã) cho biết anh mới bỏ toàn bộ diện tích cây keo để chuyển sang trồng mỡ. Ban đầu, thực hiện chủ trương của tỉnh, hơn 1 ha đất rừng của gia đình được anh trồng keo tai tượng. Quả thật cây keo lai lớn nhanh, chỉ sau 4-5 năm là có thể thu hoạch nhưng quan trọng nhất là đầu ra thì lại không có.
“Trồng keo không mất công chăm sóc nhiều, lại được tỉnh đầu tư giống, nhưng hay bị mối ăn rễ. Hơn nữa gỗ keo không được giá, loại 1 (vòng vanh khoảng 50-70 cm) thì Công ty Lâm nghiệp mới mua với giá 700 – 900 nghìn đồng/m3. Nhưng mỗi ha không có nhiều gỗ loại 1, loại kém hơn có khi chỉ được 300 – 400 nghìn đồng/m3. Nên tôi đành bỏ keo mà trông mỡ, dù cây mỡ có chu kỳ thu hoạch chậm hơn nhưng dễ bán, giá cũng cao hơn, khoảng trên 1 triệu đồng/m3” – anh Đô lý giải.
Một nguyên nhân nữa khiến người dân mặn mà cây mỡ hơn cây keo vì thân gỗ thẳng, đẹp, giá bán không thấp trong khi khả năng tái sinh cao, có thể khai thác thêm 1-2 lần sau khi chặt. Cứ như thời điểm hiện nay, hộ nào rao bán cả đồi mỡ, lập tức sẽ có người tới mua, thậm chí làm hộ cả thủ tục khai thác nên người dân không phải động tay động chân gì cũng có tiền. Cả 9,2 ha rừng của tiểu khu 1 (thị trấn Chợ Rã) dù được thiết kế trồng keo nhưng nay đều được phủ xanh bằng cây mỡ.
Bà Đặng Thị Anh Thơ, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Bể, thừa nhận mục tiêu tỉnh giao cho huyện đạt tỷ lệ trồng keo 70% diện tích trồng rừng năm 2012 là bất khả thi. “Vẫn biết trồng keo sẽ phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ nhưng trên địa bàn Ba Bể chưa có doanh nghiệp chế biến gỗ nào lớn, đầu ra của người dân trồng rừng phụ thuộc vào tư thương. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân trồng keo, hỗ trợ tiền mua giống nhưng không ít hộ sẵn sàng tự bỏ tiền mua giống để chuyển đổi sang cây mỡ,” bà Thơ bộc bạch.
Theo báo cáo công tác trồng rừng năm 2011 của tỉnh Bắc Kạn, 70% số diện tích rừng trồng trong năm 2011 là cây mỡ, còn trong 32,5 triệu cây giống của niên vụ 2012 có tới 27,2 triệu là cây mỡ. Vấn đề đáng nói là gỗ mỡ Bắc Kạn phần lớn được bán cho các công ty ở ngoài tỉnh để làm cột chống xây dựng hoặc băm dăm xuất khẩu, đầu ra hoàn toàn do tư thương khống chế.
Hiện tại cây mỡ đang là cây trồng được tư thương ưu ái, quyền chủ động nằm trong tay người dân, nhưng rõ ràng với diện tích ngày càng tăng và thị trường cho loại cây này không ổn định cộng với chi phí vận chuyển cao, thì việc người dân bị ép giá là khó tránh khỏi.
Không ai có thể biết chắc rằng liệu mấy năm nữa những người trồng mỡ có lặp lại vòng luẩn quẩn phá mỡ đi mà trồng một loại cây khác? Cách đây không lâu, Bắc Kạn đã khánh thành nhà máy chế biến gỗ SAHABAK ở huyện Chợ Mới. Theo thiết kế, mỗi năm nhà máy cần ít nhất 15.000m3 gỗ tròn nhưng tất cả đều phải là gỗ keo chứ không phải gỗ mỡ. Hiện nhà máy đang hỗ trợ người dân trồng rừng nguyên liệu những số hộ hưởng ứng không nhiều, nguy cơ nhà máy thiếu nguyên liệu là nhãn tiền.
Rừng vẫn chảy máu
Theo thống kê của Chi cục kiểm lâm tỉnh, 5 năm trở lại đây, Bắc Kạn đã xảy ra khoảng 6.000 vụ vi phạm về rừng, riêng năm 2011 đã xảy ra gần 1000 vụ. Mới nhất, đầu tháng 3 vừa qua, công an huyện Bạch Thông đã phát hiện tại khoảnh 3, tiểu khu 378 khu rừng phòng hộ Lủng Duốc (thôn Thôm Phụ, xã Cao Sơn) bị khai thác trái phép với số lượng lớn. Tại hiện trường có nhiều cây gỗ nghiến bị khai thác, trong đó có 13 cây mới bị chặt hạ, tổng số gỗ nghiến bị chặt hạ là 226 m3. Và dĩ nhiên, nhưng con số trên mới dừng ở giấy tờ sổ sách, là những vụ việc đã được các nhà chức trách xử lý.
Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn cho biết do diện tích rừng trên địa bàn rộng nhưng địa hình chia cắt, rừng lại ở xa trung tâm huyện và xã nên lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc thu nhận thông tin và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Lợi nhuận cao từ việc buôn bán trái phép lâm sản nên các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn diễn biến phức tạp. Một số chủ rừng vì lợi ích trước mắt đã tự ý khai thác gỗ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đầu nậu hoạt động bất kể ban đêm, ngày lễ, đồng thời dùng các loại phương tiện vận chuyển tốc độ nhanh, thuê người dân tại chỗ vác gỗ qua các khu rừng già, khu bảo tồn, vận chuyển đến nơi tập kết khiến cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng càng khó khăn hơn.
Tình trạng khai thác gỗ quý hiếm (nhóm IIa) đã có lúc trở thành điểm nóng tại một số khu vực như: Vườn Quốc gia Ba Bể (huyện Ba Bể); Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì) và các khu rừng giáp ranh. Theo thông tin của Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có tới 98 cây gỗ nghiến (tương đương hàng trăm mét khối gỗ) bị chặt hạ… Chỉ riêng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ trong tháng 2 và 3/2012 đã phát hiện xử lý 21 vụ vi phạm Luật Bảo về và Phát triển rừng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng khai thác trái phép lâm sản vẫn diễn biến phức tạp là do nhu cầu sử dụng gỗ quý để làm nhà ở, đóng đồ nội thất… rất lớn, đặc biệt là việc buôn bán gỗ nghiến có lợi nhuận rất cao nên lôi cuốn nhiều người tham gia hoặc tiếp tay cho hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Mặt khác, ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân còn thấp; các chủ rừng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trên diện tích được giao, được thuê; chính quyền một số địa phương cấp xã chưa thật sự coi trọng đúng mức về công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn. Và rừng Bắc Kạn vẫn… chảy máu.
“Cấp xã chúng tôi muốn bảo vệ rừng cũng lực bất tòng tâm. Như xã tôi chỉ có một cán bộ địa bàn do Hạt kiểm lâm cử xuống, phụ trách toàn bộ diện tích hơn 1000 ha. Chúng tôi đang cố gắng vận động bà con không tiếp tay cho những kẻ phá rừng, đừng để địa bàn biến thành điểm nóng.” Ông Hoàng Văn Đồng, Bí thư đảng ủy xã Địa Linh (huyện Ba Bể) chia sẻ |