ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi, thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất cơ quan đầu mối của Việt Nam tham gia vào các hoạt động của Quỹ Khí hậu xanh (GCE) quốc tế; phương án thành lập Quỹ Khí hậu xanh Việt Nam, đáp ứng được các tiêu chí của Quỹ GCE phục vụ cho việc tiếp nhận và quản lý thống nhất nguồn vốn hỗ trợ này trong tương lai.
Đây là một trong những nội dung Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở kiến nghị của Bộ tại Báo cáo kết quả tham dự Hội nghị lần thứ 17 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP 17) và Hội nghị các bên của Nghị định thư Kyoto (CMP7) tại Durban, Nam Phi.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cử chuyên gia tham gia các Ủy ban Thích ứng, Ủy ban Tài chính, Ủy ban Công nghệ và xây dựng đề xuất của Việt Nam đăng cai là thành viên Mạng lưới Công nghệ toàn cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tiến hành rà soát, kiến nghị hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định quốc tế và Chiến lược biến đổi khí hậu (BĐKH) của Việt Nam, trong đó có các quy định về đo đạc, báo cáo và kiểm chứng (MRV) cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và báo cáo tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ liên quan đến (BĐKH) và môi trường, gồm: Quỹ Thích ứng BĐKH, Quỹ Đầu tư khí hậu (CIF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi, thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất: Cơ quan đầu mối của Việt Nam tham gia vào các hoạt động của Quỹ Khí hậu xanh (GCE) quốc tế; phương án thành lập Quỹ Khí hậu xanh Việt Nam, đáp ứng được các tiêu chí của Quỹ GCE phục vụ cho việc tiếp nhận và quản lý thống nhất nguồn vốn hỗ trợ này trong tương lai.
Như đã đưa tin trước đó, COP 17 đã thông qua lộ trình cho một thỏa thuận, theo đó lần đầu tiên sẽ ràng buộc pháp lý tất cả các quốc gia thải nhiều khí cacbon gây hiệu ứng nhà kính. Thỏa thuận này sẽ được thông qua vào năm 2015 và áp dụng từ năm 2020.
Đồng thời, thống nhất việc thiết lập và thông qua thời kỳ cam kết lần thứ hai của Nghị định thư Kyoto bắt đầu từ 1/1/2013 đến 31/12/2017; thống nhất khuôn khổ hệ thống báo cáo về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính áp dụng cho tất cả các nước phát triển và các nước đang phát triển; thống nhất thông qua phương thức vận hành gói giải pháp đã được thông qua tại Hội nghị Cancun năm 2010 gồm Quỹ Khí hậu xanh, Ủy ban Thích ứng và Cơ chế Công nghệ.
Trong đó, Quỹ Khí hậu xanh sẽ là kênh chủ yếu để huy động và giải ngân các khoản kinh phí dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Các nước đang phát triển đều có khả năng tiếp cận đến nguồn vốn huy động qua Quỹ Khí hậu xanh. Cơ chế Công nghệ sẽ được vận hành đầy đủ vào năm 2012 thông qua Trung tâm và Mạng lưới Công nghệ Khí hậu.