ThienNhien.Net – Những năm gần đây nạn phá rừng ở nhiều địa phương có chiều hướng gia tăng cả về mức độ lẫn tính chất. Thế nhưng ở thôn Uyên Phong, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), hàng chục hécta rừng nguyên sinh vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hương ước của làng.
Rừng cấm Khe Trồ có diện tích khoảng 40 hécta, rừng ở đây với nhiều loài thực vật đa dạng phong phú, vô số những loài cây dây leo rậm rạp, đan xen là cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Không những đa dạng về nhiều loài động, thực vật bản địa mà rừng cấm Khe Trổ còn có nhiều loài cây gỗ quý hiếm có đường kính từ 1,2m đến 1,5m, cao hàng chục mét trong đó có nhiều loài cây thân gỗ có giá trị như: Dổi, Giẻ lim, Nao, Sú…
Lão nông Phạm Quang Tứ (70 tuổi) người đã có thâm niên hàng chục năm làm công tác quản lý và bảo vệ rừng Khe Trổ cho biết: Cái tên “rừng cấm Khe Trổ” không biết có tự bao giờ nhưng khi tôi lớn lên đã được nghe ông bà, cha mẹ truyền tai nhau hương ước của làng về việc bảo vệ rừng. Theo đó, hương ước của làng quy định là cấm tất cả mọi người dân trong vùng vào rừng cấm Khe Trổ chặt phá cây cối, săn bắn chim thú, bất kể hành vi xâm phạm nào dù lớn hay nhỏ nếu làm ảnh hưởng đến rừng đều bị làng xử phạt. Nặng thì phạt lúa gạo, nhẹ thì đưa ra khiển trách trước làng. Vì thế mà ý thức bảo vệ rừng của người dân nơi đây đã được truyền lại từ đời này qua đời khác. Họ không chỉ có ý thức chung trong việc răn dạy bản thân, con cái trong gia đình cần bảo vệ rừng, mà khi phát hiện có người lạ vào rừng nếu có hành vi chặt phá rừng hay làm điều nguy hại đến rừng họ đều ra tay ngăn chặn hoặc báo với người dân trong làng tổ chức vây bắt, đẩy đuổi. Vì vậy mà dù rừng nằm rất gần với khu dân cư với nhiều loài gỗ quý hiếm tồn tại hàng trăm năm nay nhưng không một ai vào chặt phá.
Theo anh Phan Thanh Giang – Trưởng thôn Uyên Phong: Rừng cấm Khe Trổ được bảo vệ như ngày hôm nay một phần là nhờ hương ước của làng đã làm thay đổi được nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân. Bên cạnh đó mỗi năm ban cán sự thôn còn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về vai trò của rừng cũng như tác hại của việc chặt phá rừng. Nhiều năm qua người dân thôn Uyên Phong còn tự nguyện đóng góp mỗi năm hàng trăm kg thóc để chi trả cho người trong thôn tham gia quản lý và bảo vệ rừng cấm Khe Trổ.