ThienNhien.Net – Khi bạn hỏi ai đó rằng sợ con gì nhất, dễ thường câu trả lời bạn sẽ nhận đươc là cá mập, hổ, rắn, gấu, nhện, ong, cá sấu. Răng sắc nhọn, có móng vuốt, có nọc độc, to đồ sộ vốn là những đặc điểm khiến chúng ta sợ hãi các con vật. Song, nhiều khi sự nguy hiểm từ động vật không đi đôi với những điều mà ta sợ.
Loài ếch phi tiêu sống trong rừng nhiệt đới trông bề ngoài nhỏ bé đáng yêu nhưng thực ra lại lợi hại vô cùng. Trên da của chúng có chứa nọc độc, và chỉ cần một lượng độc tố nhỏ cũng đủ có thể giết chết 10 người. Loài sứa hộp Australia cũng nguy hiểm không kém. Nó có tới 60 cái tua (xúc tu), và với một con trưởng thành, tua của nó có thể dài tới 4 mét rưỡi, trong đó lượng độc tố mà mỗi chiếc tua phun ra có thể gây tử vong 60 người ngay tức khắc.
Ngay cả những loài động vật trông rất hiền lành, củ mỉ cù mì như hà mã hay gấu bắc cực cũng là mối nguy hiểm rất lớn với con người. Dù khó tin bạn vẫn phải chấp nhận sự thật là ở châu Phi, hà mã bị xếp vào nhóm những loài động vật nguy hiểm nhất. Còn với gấu Bắc Cực, tính tình của chúng hoàn toàn trái ngược với bộ lông đáng yêu như một chú gấu bông. Chúng rất hung dữ và dễ tấn công chứ không có phản xạ sợ người như đa số loài vật khác. Với cơ thể nhỏ bé và sức mạnh thua xa, con người dĩ nhiên không phải là đối thủ xứng tầm của chúng.
Thế nhưng, có một loài động vật còn nguy hiểm gấp bội phần tất cả những loài trên cộng lại. Đó chính là con muỗi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, muỗi cướp đi khoảng 1 triệu sinh mạng mỗi năm trong tổng số 300 đến 500 triệu ca sốt rét mà nó gây ra. Cứ 30 giây lại có 1 trẻ em tử vong vì sốt rét.
Thực ra, nói muỗi làm chết người là không đúng mà thủ phạm chính xác là loài ký sinh trùng sốt rét mà chúng mang theo. Cũng không phải tất cả các giống muỗi đều mang ký sinh trùng sốt rét, duy chỉ có muỗi cái thuộc họ Anopheles.
Họ muỗi Anopheles có mặt ở khắp nơi trên trái đất, trừ vùng Nam Cực. Muỗi Anopheles đốt một người bệnh sốt rét, rồi phát tán ký sinh trùng sốt rét sang người tiếp theo bị chúng đốt. Sốt rét là bệnh truyền qua đường máu, có nghĩa là bệnh này không thể lây lan qua tiếp xúc thông thường giữa người với người, và vật trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi sốt rét.
Sốt rét đã gần như đã bị xóa sổ tại Mỹ vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước nhờ nỗ lực khống chế, tiêu diệt muỗi của Chính phủ Mỹ trong Chương trình Xóa sổ bệnh Sốt rét trên toàn quốc dùng DDT (một loại thuốc diệt côn trùng độc hại). Tuy nhiên, khi người ta áp dụng chương trình này đại trà trên toàn thế giới, kết quả thu được lại tương đối hạn chế do phản ứng kháng thuốc của muỗi. Thiếu kinh phí, thiếu sự tham gia của cộng đồng cũng là những nguyên nhân khiến các chiến dịch xóa sổ bệnh sốt rét không đạt mục tiêu như kỳ vọng.
Hiện nay, đa số các ca tử vong do sốt rét thường xuất hiện ở Châu Phi và phía nam sa mạc Sahara – nơi ký sinh trùng sốt rét phổ biến nhất. Ai cũng có thể mắc bệnh sốt rét, nhưng những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ có thai, khách du lịch là những đối tượng dễ bị mắc và tử vong nhất. Người dân ở các nước nghèo, với nguồn nước sạch hạn chế cũng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét cao hơn.
Hiện tại, vắc-xin chống sốt rét hiện vẫn chưa được nghiên cứu thành công. Người ta cũng đã phải chuyển hướng xóa sổ bệnh sốt rét sang mục tiêu khả thi hơn là kiểm soát dịch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đặc biệt chú trọng tới vấn đề kiểm soát vật trung gian truyền bệnh. Có nghĩa là giảm thiểu cơ hội tiếp xúc giữa con người với vật trung gian truyền bệnh. Mục tiêu chính của phương pháp này là giảm số lượng muỗi gây bệnh bằng cách sử dụng màn tẩm thuốc chống sốt rét, xịt thuốc trong nhà và kiểm soát trứng, ấu trùng muỗi. Màn tẩm thuốc chống sốt rét hiện đã giúp giảm 20% tỷ lệ tử vong. Ngoài ký sinh trùng sốt rét, muỗi còn mang vi rút Tây sông Nile– một loại bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh, lây từ gia cầm sang người và bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Nói tóm lại, hãy tạm quên đi những nỗi sợ hãi xa xôi, bạn cần phải chú ý hơn đến những con muỗi nhỏ bé vo ve bên tại bạn mỗi đêm. Thực sự, chúng là những con vật hết sức nguy hiểm và đáng sợ.