ThienNhien.Net – 25 tuổi, có trong tay 25 hecta rừng keo xanh mướt, Đỗ Đình Huấn được không ít người biết đến ở xã Đồng Tâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Chưa bằng lòng với thành quả ban đầu, Huấn còn nhiều kế hoạch ấp ủ tậu thêm đất để trồng cọ, trồng rừng và bảo vệ rừng.
Chúng tôi được nghe câu chuyện về Huấn qua cha của cậu, ông Đỗ Xuân Chiến. Ông Chiến cho biết, vào những năm 1990, Hàm Yên là một trong những điểm nóng về phá rừng. Rất nhiều loại gỗ quý lim, dổi, mỡ… bị khai thác ngang nhiên, thách thức cả chính quyền. “Sau đận ấy, địa phương chủ trương giao đất cho dân trồng rừng để tái sinh rừng và giữ rừng. Gia đình tôi chỉ dám nhận 3 hecta vì sợ không kham nổi”, ông Chiến tâm sự.
Mới đầu, gia đình ông và bà con trong xã nhận đất rừng nhưng cũng chỉ trồng ngô, khoai, sắn, sau thì thêm lát, cam sành. Mãi đến năm 1998, theo chủ trương của huyện, các hộ dân xã Đồng Tâm mới bắt tay thử nghiệm trồng keo để phủ kín rừng. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên chỉ một thời gian sau, keo chết gần hết.
Năm 2005, Huấn thi trượt đại học nên phải ở nhà giúp bố mẹ trồng rừng. Thấy keo trồng lâu năm mà vẫn không phát triển được nên Huấn đạp xe lên tận UBND huyện Hàm Yên hỏi ý kiến cán bộ lâm nghiệp. Kết quả thu được không làm cậu bằng lòng, cậu vào internet tìm thêm thông tin về cây keo và cách chăm sóc.
Huấn khuyên bố nhận hết diện tích rừng còn lại chưa được xã giao cho bà con để trồng keo. Ông Chiến trợn mắt phản đối ý tưởng điên rồ của con mình. Rừng keo đương trồng chết rũ ông còn chưa lo nổi, nay nó lại bảo nhận thêm. Nhưng rồi những lời thuyết phục nghe có vẻ rất khoa học và lý lẽ của cậu con trai dần đã khiến ông bùi tai. Diện tích đất trồng rừng của gia đình tăng lên 25 héc-ta. Thiếu vốn mua giống, Huấn lại tiếp tục thuyết phục bố vay ngân hàng và cô bác trong họ.
Hàm Yên vốn là đất của cam sành, nhưng Huấn lại có cái nhìn khác. Huấn bảo, keo thực sự là một cây “vàng” ở vùng núi này. Nếu người trồng keo nhìn thấy giá trị của rừng keo thì làm giàu không khó. Cam sành Hàm Yên tuy nổi tiếng, cho lãi cao nhưng bấp bênh, lại không phải cây lâm nghiệp có thể phủ kín rừng nên chỉ có thể trồng và thu hoạch hạn chế. Keo có thể vài năm mới thu được vốn và lãi nhưng ổn định hơn.
Cùng với cây keo, Huấn còn trồng cọ ở ven bìa rừng để lấy lá và tinh dầu cọ. Huấn giải thích rằng cây cọ tuy giá trị không bằng keo nhưng nếu trồng ở bìa rừng sẽ giữ đất không bị xói mòn vì rễ của cọ bám chắc, hút nước mạnh nên không lo sụt lở đất ở những vùng ven.
25 hecta rừng phần lớn là keo và cọ đã thực sự là nguồn khởi nghiệp tốt của Huấn. Huấn đã giúp bố mẹ xây được ngôi nhà tầng khang trang và tích lũy được vốn để mua giống và đầu tư tái sinh rừng. Huấn bảo: “Người ta chặt keo bán theo thời vụ, em thì khác, cây nào to thì bán, cây nhỏ để lại. Chặt xong cây cũ thì lập tức phải trồng cây mới để phủ kín. Làm như thế vừa không bị đứt vốn, không bị ép giá và nữa là không để rừng bị trọc”.
Anh Từ Quang Huy – Bí thư Đoàn xã Đồng Tâm – khen Huấn sáng tạo và hiệu quả. Anh cho biết đã có nhiều bà con trong xã đã đến học Huấn cách trồng rừng, giữ và khai thác rừng, cũng có người được Huấn cho vay vốn ban đầu.
Với những người như Huấn, ý tưởng – ý tưởng luôn luôn hình thành và nung nấu trong đầu. Cậu chia sẻ: “Phải làm tốt hơn anh ạ. Dần phải trả lại những gì rừng xưa kia vốn có. Em tính trồng cây thân gỗ xen với keo, chắc phải tìm giống keo chịu nhiệt giỏi thì mới trụ được. Nhưng nếu chỉ có mỗi keo và cọ thì cũng chưa phải là rừng. Em tưởng tượng sau này rừng của mình sẽ có nhiều loại cây, chim, cò sẽ kéo đến…”.
Tôi thầm mừng vì hiểu rằng tương lai của Huấn còn rộng mở phía trước, cậu có rất nhiều việc để làm, cho gia đình và cho bà con Hàm Yên. Thời gian còn rộng và dài, mà như Huấn nói “Em cần có thời gian”.