ThienNhien.Net – Ai đã từng ghé qua xã Hòa Thuận, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng hẳn không thể quên được thứ sản vật mang vị ngọt đậm đà của một vùng quê bình dị nhưng lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống – đường phên Phục Hòa.
Nghề làm đường phên đã có từ lâu đời, và cho đến nay, nó vẫn là một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho bà con nông dân trong huyện. Điều đáng quý là từ khâu chuẩn bị nguyên liệu (như trồng, chăm sóc mía) cho tới chế biến (nấu, đổ khuôn), tất cả đều được người dân tự tay thực hiện, tuy không sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại nhưng đường phên Phục Hòa vẫn đảm bảo chất lượng, thậm chí còn hỗ trợ đắc lực cho nghề nấu rượu mía.
Theo bác Đặng Văn Nỗ, 58 tuổi, trưởng thôn xóm Bó Tờ, xã Hòa Thuận, trong thôn có hơn 100 hộ gia đình thì tất cả đều trồng mía và sản xuất đường phên. Mỗi ngày, một gia đình có thể cho ra từ 3 đến 4 mẻ đường, mỗi mẻ khoảng chừng 50 – 60 kg và được bán với giá trung bình 20.000/kg. Đường phên sau đó sẽ được các lái buôn đem đi khắp các huyện trong tỉnh cùng các địa phương lân cận, giúp bà con nơi đây từng bước thoát nghèo và dần ổn định cuộc sống.
Các công đoạn chế biến đường phên khá kỳ công, tỉ mỉ và cần cả sức khỏe. Việc giữ lửa đều cùng với sự gia công kịp thời của người làm sẽ cho một mẻ đường ngon nghẻ.