Tiền Trung Quốc và rừng Campuchia

ThienNhien.Net – Một bài báo đăng trên tờ Reuters ngày 13/03/2012 cho hay trong thời gian gần đây các nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ tiền đầu tư mua quyền khai thác hàng loạt đất rừng của Campuchia. Điều này không chỉ đe dọa hệ sinh thái rừng mà còn ảnh hưởng đến những quyền cơ bản của người dân tại chỗ.

Bài báo cho biết năm ngoái, chính phủ Campuchia đã nhượng quyền khai thác 7.631 km2 đất – chủ yếu là đất rừng – cho các tập đoàn của Trung Quốc. So với năm 2010, diện tích đất cho thuê của Campuchia đã tăng gấp 6 lần trong năm 2011.

Trong khi một số nước khác cũng mua quyền khai thác đất ở khu vực này, chủ yếu phục vụ mục đích trồng cao su và cây nông nghiệp, các dự án sinh lời nhiều nhất tập trung vào lĩnh vực khai thác vàng và khoáng sản thuộc về các nhà thầu Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc được nhận xét là đã “khôn ngoan” khi lựa chọn mua quyền khai thác ở những địa điểm chiến lược.

Điển hình như Tập đoàn bất động sản Thiên Tân (Trung Quốc) đã may mắn thuê được 36.000 héc-ta đất thuộc khu vực Vườn quốc gia Botum Sakor với thời hạn 99 năm. Đây là vị trí thuận lợi về giao thông để tiến ra vịnh Thái Lan và biển Đông.

Vườn Quốc gia Botum Sakor nhìn từ trên cao (Ảnh: Reuters)

Theo bản hợp đồng, nhà đầu tư sẽ ký thác 1 triệu USD cho Ủy ban Phát triển Campuchia nhưng trong vòng 10 năm đầu họ sẽ không phải trả thêm bất kỳ một loại phí, thuế nào. Người ta đặt dấu hỏi, vậy phải chăng chính phủ Campuchia chỉ thu được 1 USD/1 héc-ta/năm, và liệu lợi ích thực sự mà người dân Campuchia sẽ nhận được từ hợp đồng này là gì?

Tập đoàn Thiên Tân dự kiến biến Vườn quốc gia thành một khu phức hợp hiện đại phục vụ nghỉ ngơi giải trí, gồm phi trường quốc tế, hải cảng cho du thuyền lớn, các chung cư, khách sạn, bệnh viện, sân golf và một sòng bài mang tên “Đền Angkor trên biển”, chưa kể hệ thống đường sá đi lại. Khu nghỉ dưỡng Botum Sakor sẽ được xây dựng trên khu vực có diện tích bằng nửa diện tích quốc gia Singapore với tổng kinh phí 3,3 tỷ USD.

Mathieu Pellerin, một chuyên gia của Hiệp hội Phát triển và Nhân quyền Campuchia cho rằng những con đường sắp được xây dựng chỉ tạo điều kiện cho dân khai thác gỗ lậu có lối cho xe lớn vào và khiến rừng bị xóa sổ ngày một nhanh hơn mà thôi.

Những người dân bản địa có nhiều bức xúc nhưng khó có thể đưa ra tiếng nói của mình, và như bài báo phản ánh, họ đã bị ép rời khỏi mảnh đất của tổ tiên và buộc phải di dời tới một nơi mới hoàn toàn, không nước sạch, không trường học và sinh kế.

Chủ đầu tư ngụy biện rằng đây là vấn đề giữa chính phủ sở tại và người dân của họ, rằng nhà đầu tư luôn tuân thủ luật pháp Campuchia cũng như đã thỏa thuận với người dân về việc di dời.

Nơi ở mới của những người dân phải di cư (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc hiện là nhà viện trợ lớn nhất của Campuchia. Tại thời điểm này, số tiền Trung Quốc đầu tư vào Campuchia nhiều gấp 10 lần so với Mỹ. Những khoản viện trợ của Trung Quốc thường dưới dạng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Được biết, tình trạng chiếm đất, khai thác gỗ trái phép và di dời dân không tự nguyện diễn ra khá phổ biến.

Bộ Tài nguyên môi trường Campuchia không công bố chính xác diện tích đất đã nhượng quyền sử dụng cho Tập đoàn Thiên Tân, song khẳng định rằng phía Trung Quốc chỉ được sử dụng vùng đất rìa các khu rừng, vùng vườn quốc gia vẫn còn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, những khẳng định trên bị cho là không thuyết phục vì hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy vùng lõi các khu bảo tồn Boeng Per và Phnom Aural đã bị khai thác, Vườn quốc gia Virachey, giáp ranh với Lào và Việt Nam đã bị các nhà đầu tư Trung Quốc xâm lấn gần hết.

Có nhiều lý do để lo lắng cho bức tranh môi trường, văn hóa và chất lượng cuộc sống người dân bản địa trong những thập kỷ tới, không cần đợi 99 năm nữa cho tới khi các dự án thuê đất chấm dứt.