ThienNhien.Net – Thử nghiệm thành công trên mình ốc sên – một loài thân mềm vốn nổi tiếng chậm chạp, các nhà khoa học Mỹ lần đầu tiên đã chứng minh được rằng cơ thể động vật sống cũng có thể sản sinh ra điện năng.
Để chuẩn bị cho nghiên cứu, Giáo sư hóa học Evgeny Katz cùng các đồng nghiệp đến từ trường Đại học Clarkson (Hoa Kỳ) đã tiến hành thu thập hàng tá ốc sên vườn màu nâu về nuôi trong phòng thí nghiệm.
Trên mỗi cá thể, nhóm nghiên cứu cấy những quả pin nhiên liệu sinh học cực nhỏ có khả năng chiết xuất điện từ đường glucose và ô-xy có trong chất lỏng được biết đến như haemolymph (chức năng tương tự như máu) của ốc sên.
Đáng ngạc nhiên là trong suốt quá trình cấy pin, ốc sên vẫn có thể duy trì sự sống bình thường trong vòng nửa năm, đồng thời vẫn có thể sản xuất ra một lượng điện năng bền vững.
Tuy lượng điện được tạo ra từ cơ thể ốc sên không lớn, song nhóm thử nghiệm Evgeny Katz kỳ vọng thời gian tới có thể gia tăng khả năng sản sinh điện năng của loài động vật này thông qua nhiều bước cải tiến mới, đặt nền tảng cho những thử nghiệm tương tự trên cơ thể các loài côn trùng hay động vật thân mềm khác như gián, giun… và tương lai rất có thể là cả cơ thể người.