Kỳ cuối: Người bảo tồn chè cổ bằng thương hiệu
ThienNhien.Net – Trong quá trình tìm hiểu về cây chè ở Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, chúng tôi được nghe nhắc nhiều đến cái tên Lý Chòi Nhàn. Anh chính là người đầu tiên đưa thương hiệu chè shan cổ ở Phìn Hồ ra tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước.
Tới thăm một cơ sở sản xuất của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ do anh quản lý, chúng tôi được nghe anh kể nhiều về những tháng ngày gắn bó với miền quê nổi danh cùng cây chè shan tuyết cổ. Từ khi còn nhỏ, Lý Chòi Nhàn đã theo bố mẹ đi hái những búp chè trên núi về sao chế, rồi đem xuống chợ đổi lấy muối. Thời điểm ấy, giá trị chè tuy chưa cao như bây giờ nhưng nhận thấy nhiều tiềm năng, lợi ích từ loại cây đặc biệt này nên bà con vẫn gắng giữ gìn.
“Từ năm 2001, giá chè liên tục tụt dốc, chè của bà con hái ra không bán được khiến cuộc sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Không ít hộ gia đình đã phải đốn hạ những gốc chè hàng trăm năm tuổi để làm nương trồng lúa. Khi ấy, nhìn những gốc chè bị phá không thương tiếc, mình xót lắm, mình nghĩ phải làm điều gì đó để vừa giữ những cây chè mà tổ tiên ông cha để lại, vừa giúp bà con không còn đói nữa” – anh Nhàn tâm sự.
Từ năm 2005, khi một số doanh nghiệp chè dưới xuôi lên Hà Giang khảo sát, tìm hiểu về vùng nguyên liệu chè, bà con đã rất mừng vì tưởng sắp có người thu mua chè, nhưng họ đến rồi một đi không trở lại, sau mới biết họ chỉ lấy tên Phìn Hồ để đăng ký bản quyền thương hiệu chứ thực tế không hề có mục đích thu mua chè ở đây. Cả chính quyền và người dân khi ấy đều rất bực vì thấy mình bị lừa dối.
Cũng từ sự kiện này mà Lý Chòi Nhàn càng nuôi quyết tâm tạo dựng cho được một sản phẩm chè shan tuyết chính danh gắn liền với quê hương. Anh đã tập hợp bà con thành lập Hợp tác xã chè Phìn Hồ để cùng sản xuất, chế biến và tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhận được sự ủng hộ của cả bà con và chính quyền xã, song việc tìm nguồn tiêu thụ ở đâu vẫn là một câu hỏi lớn.
Cây không phụ lòng người
Gánh trên vai niềm tin gửi gắm của hàng trăm hộ trồng chè ở Thông Nguyên nên dù khó khăn tới mấy, Lý Chòi Nhàn cũng không cho phép mình bỏ cuộc. Khi sản phẩm Fìn Hò Trà (Fìn Hò Trà là tiếng của người dân tộc Dao đỏ gọi loại chè Phìn Hồ) được “khai sinh”, anh đã cùng các nhân viên Hợp tác xã cặm cụi mang những sản phẩm đầu tiên đi khắp trong Nam ngoài Bắc để giới thiệu. Sau gần hai năm miệt mài tìm kiếm thị trường, cuối cùng các sản phẩm mang thương hiệu “Fìn Hò Trà” cũng được các đầu mối đại lý chấp nhận tiêu thụ.
Nhớ lại những kỷ niệm đi tiếp thị sản phẩm Fìn Hò trà ở Hà Nội, anh Nhàn bộc bạch: “Mình vào các cửa hàng tạp hóa ở phố Khâm Thiên, có chủ cửa hàng tỏ ra khó chịu lắm vì thấy mình mộc mạc, trên vai mình đeo lùng nhùng túi xách, có nhà còn đốt giấy để xua vía… Mùa đông năm 2008, mưa rét lắm nhưng vẫn phải chở hàng xuống Bắc Quang (cách hơn 60 km) từ 1h sáng để bắt xe đi Hà Nội. Cũng may đợt ấy mình bán được hàng”.
Hiện nay, các sản phẩm chè của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ đã có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài nước, thậm chí tự tin bước vào các siêu thị lớn và các nhà bán lẻ trên toàn quốc. Mạng lưới đại lý cũng được mở rộng khắp mọi nơi…
Trung bình, mỗi một vụ chè, Hợp tác xã xuất xưởng trên 50 tấn chè ngon với giá bán khoảng 150.000đ/kg. Hiện đã có tới 42 xã viên gia nhập Hợp tác xã với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Không ít hộ đã thoát cảnh nghèo nhờ chè và cuộc sống dần được cải thiện.
Với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu như: Sản phẩm được yêu thích, Huy chương vàng Hội chợ “Thần Nông” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.
Cá nhân anh Nhàn cũng được Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng chứng nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2010, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và hiện anh cũng đang được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên.
Trước khi chia tay, anh Lý Chòi Nhàn vẫn hồ hởi chia sẻ với chúng tôi về dự định sắp tới – “Mình sẽ tiếp tục mở rộng thêm xưởng. Nếu hợp tác xã được ngân hàng tạo điều kiện vay vốn mở rộng quy mô, chắc chắn sẽ có nhiều lao động giàu lên nhờ chè. Diện tích chè của xã sẽ tiếp tục được mở rộng. Và chè cổ thụ sẽ được chăm sóc đặc biệt”.