Sau động đất, Thủy điện sông Tranh 2 tiếp tục uy hiếp bằng sự cố nứt đập

ThienNhien.Net – Những cơn dư chấn xảy ra quanh khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 vào cuối năm 2011 khiến người dân huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam còn chưa hết bàng hoàng thì mới đây, sự cố rò rỉ nước tại dự án thủy điện lớn nhất miền Trung này lại càng làm tăng thêm nhiều mối lo ngại. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) ngay trong sáng 21/3 đã đến khảo sát trực tiếp công trình và khẳng định, nguyên nhân sự cố là do lỗi kỹ thuật ở cả ba khâu thiết kế, thi công và khai thác vận hành đập.

Tại cuộc họp buổi chiều 21/3, TS. Bùi Trung Dung – Phó Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Hội đồng thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cho biết, trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công đã “quên” khâu thiết kế đường ống hút nước trong thân đập nên mới xảy ra tình trạng rò rỉ nước. Bên cạnh đó, công trình cũng không được trang bị màng chống thấm nên nước không thẩm thấu được mà rò rỉ ra ngoài.

Hiện tượng nứt bờ đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 khiến nước chảy xối xả ra bên ngoài thân đập (Ảnh: Minh Thành)

Theo TS. Dung, nước chảy ra từ đập chắn là từ các “khe co giãn” chứ không phải “khe nhiệt” như báo cáo trước đây vì các khe nhiệt này nằm ở phía thượng lưu của con đập và được chắn bởi các van omega bằng đồng nên nước không thể chảy qua.

TS. Dung khẳng định, ngoài lỗi thiết kế thì khâu tư vấn giám sát và khai thác vận hành cũng có vấn đề. Khi khai thác sử dụng, nếu thấy hiện tượng nước chảy thì phải tháo nước ra và truy tìm nguyên nhân nhưng đơn vị khai thác không làm điều đó. Mặt khác, công trình còn nằm trong thời gian bảo hành thời hạn 2 năm nhưng nhà thầu lại thiếu tích cực phối hợp chủ đầu tư để khắc phục. Chỉ đến khi báo chí lên tiếng, dư luận bức xúc thì nhà thầu mới cuống cuồng đi trám, bịt các điểm rò rỉ.

“Chúng tôi khuyến cáo không nên bơm hóa chất vào nữa mà nên đưa xi măng hoặc nhựa đường vào các điểm thấm nước này” – ông Dung nhấn mạnh.

Trái với những khẳng định trước đây – rằng vết nứt tại Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ là khe nhiệt và lưu lượng thấm qua đập khoảng 30 lít/giây không ảnh hưởng đến an toàn ổn định đập, ông Trần Văn Hải – Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 (chủ đầu tư dự án) tại cuộc họp chiều 21/3 đã thừa nhận: “Đúng là đập có vấn đề về lỗi kỹ thuật. Lẽ ra, các khe nhiệt phải được thiết kế theo chiều thẳng đứng nhưng trong quá trình thi công, công nhân đã dùng đầm máy để đầm chặt bê tông nên làm lệch các tấm bố của khe nhiệt dẫn đến bị lệch”.

Trước đó, GS.TS. Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam, Tổ trưởng Bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi khoa xây dựng thủy lợi thủy điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng cảnh báo: “Sự cố rò rỉ đập sẽ không chỉ làm giảm tuổi thọ công trình mà nếu có dư chấn mạnh sẽ làm đập toác ra, vỡ đột ngột…”.

Lo lắng này hiện cũng đang là mối quan ngại chung của nhiều chuyên gia về địa chất, thủy điện, trong đó có TS. Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Trung tâm Cảnh báo động đất và sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu. TS. Phương cho biết, theo số liệu đo đạc thì có thể khẳng định vết nứt ở đập thủy điện Sông Tranh 2 là do động đất kích thích gây ra.

Về lý thuyết, hoàn toàn có thể dự báo được động đất kích thích, tuy nhiên ở Sông Tranh 2, Viện không có bất kỳ một số liệu quan trắc nào. Do đó, để dự báo được thì phải tiến hành đo địa chấn hàng ngày, từ đó tính toán đến khả năng và chu kỳ lặp lại. Mà để thực hiện được như vậy thì phải đầu tư máy móc, thiết bị đặt các trạm địa chấn gần đó để có số liệu cụ thể – TS. Dương khẳng định.

Hiện Ban quản lý dự án đang phối hợp với nhóm tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố, đồng thời tiến hành phân tích số liệu quan trắc để có thể đánh giá độ an toàn của đập.

Công nhân dùng máy khoan khoan vào rãnh nứt để xử lý hiện tượng nước chảy (Ảnh: Minh Thành)
Đoàn công tác Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam và Ban quản lý dự án vào chiều 21/3 (Ảnh: Minh Thành)

Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỉ đồng, được xây dựng từ tháng 3/2006 gồm hai tổ máy (tổng cộng 190MW) và đến cuối năm 2010 cả hai tổ máy đã chính thức phát điện. Hiện dung tích hồ chứa nước của Thủy điện Sông Tranh 2 thuộc loại lớn nhất miền Trung với sức chứa khoảng 730 triệu m3 nước.

Ngày 21/3, sau hai ngày xảy ra sự cố, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã gửi công văn hỏa tốc, yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng khẩn trương kiểm tra, có giải pháp khắc phục việc thấm nước qua đập thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.