Kỳ 2: Mong ước đổi đời nhờ chè
ThienNhien.Net – Trong những năm qua, UBND huyện Hoàng Su Phì chủ trương đưa cây chè trở thành một trong những cây mũi nhọn trong chiến lược phát triển cây công nghiệp của huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao giá trị thương hiệu cho vùng chè đặc sản. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, giúp đời sống bà con vùng cao dần đi vào ổn định, vùng chè Hoàng Su Phì còn tạo điều kiện cho không ít gia đình vươn lên làm giàu, trở thành triệu phú trong lĩnh vực phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè.
Đến nay, vùng chè hàng hóa của Hoàng Su Phì đã mở rộng ra 12 xã với tổng diện tích 350 ha, trong đó 270 ha cho năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha. Mở rộng diện tích chè, các cơ sở chế biến chè trên địa bàn cũng không ngừng tăng về số lượng với 49 cơ sở chế biến chè công nghiệp và chế biến trong dân, trong đó có 5 hợp tác xã chế biến chè quy mô 3-5 tấn/ngày, 43 cơ sở chế biến nhỏ công suất từ 200-1.000kg chè búp tươi/ngày.
Những năm gần đây, nhờ đường sá đi lại thuận tiện nên không ít du khách trong và ngoài nước đã tìm đến Hoàng Su Phì để vừa khám phá nét văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số, vừa có thể được tận mắt chiêm ngưỡng những rừng chè shan tuyết cổ. Nếu muốn mua chè về làm quà hoặc để thưởng thức, du khách cũng có thể ghé ngay Hợp tác xã chè Phìn Hồ hay Xưởng chế biến chè xanh Chiến Hảo của vợ chồng anh Vũ Văn Chiến được thành lập từ năm 2009.
Điều đáng quý là trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt, tuy có lúc thăng trầm nhưng người Dao ở Phìn Hồ vẫn thủy chung với cây chè shan tuyết bởi với họ, đây là “báu vật” do thế hệ trước để lại và thế hệ sau phải có trách nhiệm gìn giữ. Mặc dù vậy, lòng người Dao ở Phìn Hồ vẫn còn nhiều băn khoăn vì cây chè của họ cho nguyên liệu tốt mà vẫn khó bán. Sau này, bà con cũng tìm ra nguyên nhân, đó là do họ chưa có kỹ thuật để làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cũng như phương tiện chế biến chè còn thô sơ, lạc hậu.
Đến thăm Xưởng chế biến chè xanh Chiến Hảo, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước cơ ngơi vợ chồng anh Chiến gây dựng được từ chính cây chè. Anh Chiến vốn quê Hà Nam, sau khi lập gia đình năm 1991, hai vợ chồng anh lên làm công nhân Công ty chè Hà Giang. Năm 1994, Công ty giải thể, vợ chồng anh thấy tiếc tiềm năng từ cây chè nên đã chạy vạy vay vốn anh em họ hàng để đầu tư xây dựng một nhà xưởng rộng 400 m2.
Từ khi hoạt động đến cuối năm 2011, xưởng đã thu mua chè tươi của trên 200 hộ dân ba xã Nậm Ty, Nam Sơn và Bản Péo. Mỗi năm, bình quân xưởng của anh Chiến sản xuất được 50 – 60 tấn chè khô, giá tại xưởng 40.000 đồng/kg, trong đó chè xanh chất lượng cao khoảng 10 – 15 tấn, giá bán 90.000 – 100.000 đồng/kg. Vụ giáp Tết, giá chè có thể lên đến 120.000 – 140.000 đồng/kg.
Không chỉ tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động là người địa phương với mức lương từ 2,5 triệu đến gần 4 triệu/người/tháng, xưởng chè của anh Chiến còn giúp gia đình anh định cư, xây dựng ngôi nhà hai tầng khang trang, mua sắm ô tô tải phục vụ thu mua và một ô tô phục vụ hoạt động kinh doanh.
Chị Triệu Thị Xín, trú tại thôn Tấn Xà Phìn, xã Nậm Ty – người trồng chè và thường xuyên cung cấp chè cho xưởng của anh Chiến – cũng có cuộc sống khấm khá hơn nhờ chè. Chị tâm sự: “Nhà tôi có hơn 2 ha chè, giá bình quân cũng bán được 6.000 – 8.000 đồng/kg chè tươi, cao gấp đôi những năm trước. Gia đình có 6 miệng ăn, cứ như trước năm 1999 thì năm nào cũng thiếu đói. Nay nhờ cây chè cũng đỡ, cũng mua sắm được cái ti vi, xe máy, có điều kiện cho con đi học…”.
Xã Nậm Ty hiện có 8 thôn với 7 dân tộc sinh sống gồm Dao, H’mông, Kinh, Mường, Tày, Cao Lan và Hoa (trong đó người Dao chiếm 78%) thì riêng cây chè đã đóng góp khoảng 45-60% thu nhập của bà con nơi đây.
Mỗi khi nhắc đến thứ cây đặc sản này, ông Hoàng Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì lại phấn khởi và lạc quan cho hay: “chúng tôi đang phấn đấu để không chỉ tạo ra những vùng chè tập trung mà còn kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến chè với công nghệ hiện đại, từng bước tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao, có uy tín”.