ThienNhien.Net – Còn hơn một tuần nữa mới tới hạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương trồng thí điểm cây cao su tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và Hà Giang nhưng từ ngày 15/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo chi tiết về vấn đề này. Sau khi trình bày về chủ trương, tình trạng phát triển, và kết quả thực hiện thí điểm, Bộ nhấn mạnh, UBND tỉnh Thanh Hóa cần rà soát lại quy hoạch phát triển và các mô hình tổ chức sản xuất cao su, trong khi các tỉnh Đông Bắc cũng cần thận trọng trong việc trồng thí điểm cao su trên diện hẹp, không trồng theo phong trào, và chỉ được phát triển cao su khi quy hoạch được Thủ tưởng phê duyệt.
Báo chí phản ánh đúng thực trạng
Kiểm tra toàn bộ sự việc báo nêu theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Công văn số 1039/VPCP – TH, Bộ Nông nghiệp khẳng định, về cơ bản, nội dung Báo Nông nghiệp Việt Nam ra các ngày 13, 14 và 15 tháng 2 năm 2012 phản ánh là đúng với tình hình thực tế tại các địa phương trồng cao su.
Cụ thể, tại Hòa Bình, khoảng 10 ha cao su trồng thử nghiệm từ năm 2009 tại khu đồi Nguyệt, xóm Bưng, xã Thu Phong, huyện Cao Phong đã bị chết khô do sương muối. UBND tỉnh Hòa Bình ngay sau đó đã chỉ đạo kiểm tra tình hình, đồng thời cho phép các hộ nhận khoán trồng lại mía và cây sắn, không trồng lại cao su trên diện tích đã bị thiệt hại do rét đậm cuối năm 2010 và đầu năm 2011.
Đối với Hà Giang, đợt rét đậm, rét hại kèm sương muối xảy ra vào cuối năm 2010 cũng làm chết trên 1.000 ha cây cao su mới trồng. Tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo kiểm tra và cho phép Công ty cổ phần Cao su Hà Giang trồng lại 600 ha bằng giống cao su chịu lạnh IAN 873 (50% diện tích) và VNg 77-4 (50% diện tích) trong năm 2011; năm 2012 dự kiến tiếp tục trồng 558 ha bằng cơ cấu giống cao su chịu lạnh như trên.
Tại Thanh Hóa, từ năm 1997, Nông trường Lam Sơn (nay là Công ty TNHH một thành viên Lam Sơn) đã đầu tư trồng hàng trăm ha cao su tại huyện miền núi Ngọc Lặc và Thọ Xuân, nay cây đã được 15 tuổi nhưng lượng mủ rất ít, khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa Công ty với các hộ dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cây giống chưa đạt yêu cầu, kết hợp với thực hiện giao khoán cho người lao động đầu tư, chăm sóc chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật dẫn tới năng suất mủ không cao.
Tháng 10/2010, Nông trường Lam Sơn cùng các hộ nhận khoán diện tích cao su trên đã tiến hành thanh lý vườn cây cao su. Hiện đơn vị đã làm đất để trồng tái canh bằng giống cao su đảm bảo chất lượng, chỉ đạo trồng, đầu tư phân bón, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật.
Tiếp tục trồng thí điểm cao su trên diện hẹp
Ngoài việc giải trình hiện trạng phát triển cao su tại các địa phương, Báo cáo cũng cho biết, trong năm 2011, tổng diện tích cao su trồng lại tại một số tỉnh Đông Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ lên tới 1.339 ha, dự kiến trong năm 2012 sẽ trồng tiếp 1.648 ha. Ngoài việc tiếp tục trồng lại số diện tích còn lại, năm nay Bộ cũng chủ trương mở rộng trồng thí điểm thêm ở một số vùng có điều kiện thuận lợi hơn khoảng 988 ha.
Về cơ cấu giống, trong năm 2012, các tỉnh Đông Bắc sẽ tiếp tục sử dụng các giống cao su chịu lạnh trong việc trồng lại và trồng mới cao su, gồm giống VNg 77-4, VNg 77-2 và IAN 873, trong đó hai giống VNg 77-4 và VNg 77-2 đã được công nhận chính thức năm 2011, giống LAN 873 đã được khảo nghiệm trên diện rộng và đang làm thủ tục công nhận giống.
Nhận định về thực trạng và định hướng phát triển cao su tại các địa phương trong thời gian tới, Bộ nhấn mạnh, đối với UBND tỉnh Thanh Hóa, cần rà soát lại quy hoạch phát triển và các mô hình tổ chức sản xuất cao su, chỉ đạo các đơn vị liên quan mở rộng các mô hình tổ chức sản xuất cao su có hiệu quả trên địa bàn; chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ điều kiện đất trồng, quản lý chất lượng cây giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch mủ kịp thời cho các hộ nông dân trồng cao su tiểu điền trên địa bàn nhằm phát triển cao su có hiệu quả và bền vững hơn.
Riêng với các địa phương trồng cao su ở vùng Đông Bắc, cần tiếp tục thực hiện Văn bản số 3100/BNN-TT ngày 27/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng thận trọng, cân nhắc lựa chọn những tiểu vùng sinh thái có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp nhất để trồng thí điểm cao su trên diện hẹp.
Đặc biệt, do các địa phương trồng cao su ở Đông Bắc nằm ở phía Đông dãy Hoàng Liên Sơn, chịu ảnh hưởng của mùa Đông lạnh hơn so với các tỉnh Tây Bắc nên sẽ phải tiếp tục đánh giá toàn diện ảnh hưởng của rét đậm đối với diện tích cao su đã trồng thí điểm theo từng tiểu vùng sinh thái trong một số năm tiếp theo, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét phê duyệt quy hoạch trước khi áp dụng trên diện rộng.