Khủng hoảng “ngầm” ở châu Âu

ThienNhien.Net – Khủng hoảng kinh tế vẫn đang tiếp diễn ở châu Âu. Tên của các chính trị gia và các thông tin về lãi suất ngân hàng có mặt dày đặc trên mặt báo. Thế nhưng, dưới góc nhìn của Gerben-Jan Gerbrandy, chuyên gia viết các báo cáo về đa dạng sinh học của Nghị viện châu Âu, có một cuộc khủng hoảng ngầm không kém phần quan trọng đang bị châu Âu coi nhẹ. Đó là cuộc khủng hoảng tuyệt chủng của nhiều loài động, thực vật và suy giảm đa dạng sinh học nặng nề của tự nhiên.

Theo quan điểm của Gerbrandy, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học không phải là nhiệm vụ quá khó khăn song phụ thuộc rất nhiều vào động thái của các nhà chức trách. Ông cho biết rất thất vọng trước kết quả thảo luận của Ủy ban chuyên trách Môi trường của EU diễn ra vào tháng 12/2011 vì cho rằng Ủy ban này đã không nêu ra được nhiệm vụ quan trọng nhất cần phải làm để bảo tồn đa dạng sinh học, bất chấp một thực tế rằng việc đưa vấn đề đa dạng sinh học vào chính sách phát triển của các ngành khác như nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại là thực sự cần thiết.

(Ảnh: rarity4u.blogspot.com)

Châu Âu có 50% diện tích là nông nghiệp, vì vậy ngành nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với bảo tồn đa dạng sinh học. Gerbrandy lập luận: không thể cứu sống tự nhiên mà không sử dụng tới diện tích đất nông nghiệp này. Chúng ta có thể đạt được những thành tựu to lớn chỉ bằng một số biện pháp tương đối đơn giản như giảm sử dụng thuốc trừ sâu, trồng hoa dọc các cánh đồng và dùng ít phân bón hơn. Với tình hình canh tác hiện nay, các khu vực đất nông nghiệp cũng không màu mỡ hơn nhiều so với các sa mạc. Biển rồi cũng sẽ trống rỗng và rừng sẽ không còn.

Nếu nhìn nhận theo góc nhìn kinh tế thì sự suy giảm giá trị tự nhiên cũng phải được coi là một phần của chi phí sản xuất. Và ngay cả khi đã đạt được điều đó, con người vẫn phải từ bỏ thói quen tàn phá thiên nhiên bởi xét về tổng thể, chẳng có ý nghĩa gì khi chúng ta kiếm tiền bằng cách hủy hoại tự nhiên rồi sau đó đưa ra các hóa đơn ảo cho xã hội.

Gerbrandy đề xuất châu Âu cần thực hiện nguyên tắc “No Net Loss”, nghĩa là các dự án, hoạt động không được làm suy giảm đa dạng sinh học, thậm chí phải bù đắp những thiệt hại mà chúng gây ra. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nên tham khảo để xây dựng các khu bảo tồn động vật hoang dã ở châu Âu giống như khu bảo tồn Serengeti ở châu Phi hay Yellowstone ở Mỹ. Châu Âu có những vùng đất nông nghiệp rộng lớn nhưng lại khô cằn và hiện đang bị bỏ hoang. Những nơi này cần được trợ cấp kinh phí để hỗ trợ nông dân duy trì nông trại của họ hoặc thành lập các khu bảo tồn để thu hút khách du lịch.

Các nhà lãnh đạo cần nhìn nhận thực tế rằng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên không phải là một chính sách xa xỉ trong thời điểm khủng hoảng kinh tế mà sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời giúp tăng trưởng kinh tế. Tựu chung lại, cuộc khủng hoảng ngầm về đa dạng sinh học cũng cần được cộng đồng quan tâm như người ta đang theo sát khủng hoảng kinh tế vậy.