ThienNhien.Net – Hơn hai mươi năm trước, chính những người dân xóm chài này đã góp phần phá tan rạn san hô, đẩy vùng biển nơi họ sinh sống vào cảnh “hấp hối”. Để rồi mười năm sau đó, cũng chính họ tự nguyện đứng ra “trả nợ”, giúp hồi sinh một vùng biển…
Thuật lại ký ức buồn
Ông Nguyễn Cường, một ngư dân lão luyện của xóm Xuân Tự 2 (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nhớ lại: “Trước năm 2000, chúng tôi vẫn coi san hô là nguồn tài nguyên không cạn nên cứ khai thác mà chẳng mảy may nghĩ ngợi chi. Nhà nào cũng khai thác san hô”. Ông Cường không nhớ là đã có bao nhiêu chuyến thuyền đến lấy san hô chở đi, cây nào đẹp thì được bán làm cảnh, còn lại để nung vôi và làm phân bón. Thậm chí, có đơn vị quân đội từ tận Tây Nguyên xuống Rạn Trào để thu mua hàng loạt san hô về bón cà phê.
Cũng là một ngư dân ở Vạn Hưng, khi được hỏi về câu chuyện rạn san hô, ông Nguyễn Văn Chim chỉ cười buồn, ánh mắt nhìn xa xăm về phía bãi biển trải dài trơ trụi bảo: “Chú ạ, hơn 20 năm trước, ngoài đó có một hàng dừa xanh mướt nhưng từ khi san hô bị phá, biển ăn vào đất liền nuốt hết cả rồi.
Câu nói 20 năm của ông Chim chợt khiến tôi nhớ lại câu chuyện cửa miệng của người dân Vạn Hưng về cơn lốc nuôi tôm hùm, cũng diễn ra cách đây chừng 20 năm trước. Không chỉ riêng người dân địa phương mà người người ở khắp mọi nơi cũng ùn ùn kéo về Vạn Hưng nuôi tôm vì như bà con nói lại là “quá ngon ăn, một vốn mười lời”. Có lúc, vịnh Vân Phong có đến hàng nghìn lồng tôm hùm. Không có quy hoạch, mạnh ai nấy làm nên vùng đầm nước của vịnh trước kia trong trẻo là thế nhưng về sau thì đã bị ô nhiễm nặng do thức ăn thừa của tôm và chất thải tích lũy.
Cũng ở thời điểm cao trào ấy, bà con đánh bắt hải sản ác liệt, cá con, cá mang trứng đều bắt mang bán hết. Thuốc nổ, thuốc độc, giã cào… thôi thì đủ hình thức. Đã có không ít trường hợp bị thương, thậm chí mất mạng vì dùng mìn đánh cá nhưng vẫn không làm nhụt chí của những kẻ “đi săn” hồ hởi.
Hệ quả tất yếu sau đó là sản lượng đánh bắt sụt giảm mạnh, người ta không còn dễ dàng tìm được những loài có giá cao như ốc hương, hải sâm, tôm hùm, cá mú. “Đánh bắt cả ngày cũng chỉ được vài ba cân ghẹ” – ông Cường cho biết.
Theo số liệu khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang, năm 1999, độ phủ san hô cứng ở vùng biển Rạn Trào ước tính chỉ còn 10-20%, thấp hơn mức che phủ san hô trung bình thấp của quốc gia. Năm 2000, trung bình mỗi mét vuông biển ở Rạn Trào chỉ còn 0,3 cá thể sinh vật. Biển Rạn Trào gần như bị hủy diệt.
Nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng
Suy nghĩ của bà con nơi đây dần thay đổi cùng những nỗ lực vận động của cán bộ Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) khi có dự án mới. “Được xem phim họ chiếu và nghe họ giải thích, tôi mới hiểu rạn san hô là lá phổi duy trì sự sống cho cả vùng biển. Giữ được rạn san hô là giữ lại nguồn lợi hải sản cho chính con cháu chúng tôi. Tôi chỉ sợ sau này khi con cháu nó hỏi ông ơi con cá đó ở vùng biển mình trước kia như thế nào mà mình tắc, mình không trả lời được” – ông Cường thật thà bộc bạch.
Cũng vì lý do đó mà năm 2001, khi Khu bảo tồn biển Rạn Trào được thành lập, người dân xã Vạn Hưng đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Bà con còn họp nhau xây dựng một bản quy chế bảo vệ vùng lõi hơn 28 ha và gần 90 ha vùng đệm của Khu bảo tồn; quy định cấm nghiêm ngặt không ai được khai thác bất cứ thứ gì ở đây, đồng thời bầu ra nhóm tuần tra, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm phạm; và nô nức thực hiện tuyên truyền phổ biến kiến thức bảo vệ vùng biển cho người dân địa phương.
Dự án của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng bắt đầu từ năm 2001, ban đầu hướng dẫn và hỗ trợ bà con cách đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản để không xâm phạm biển, giảm thiểu tác động tiêu cực đến khu bảo tồn, về sau đã được chuyển giao dần cho người dân tự quản lý.
Mọi việc đều diễn ra tốt đẹp, vì theo lời ông Cường – “phần lớn người dân đã hiểu được rạn san hô có ý nghĩa quan trọng như thế nào đến việc đánh bắt mưu sinh của mình”. Dù chỉ được cấp một chiếc chòi nhỏ, một chiếc tàu cỏn con và chiếc đèn pha, mỗi tháng chỉ được hỗ trợ 300.000 đồng/người, ngoài ra là 20 triệu đồng/năm tiền huyện hỗ trợ xăng dầu cho chiếc tàu hoạt động nhưng cả tổ tuần tra không ai lơ là trách nhiệm.
Ngày cũng như đêm, bất chấp mưa nắng, gió bão, hơn 10 năm nay, 9 thành viên trong nhóm hạt nhân đều thay nhau túc trực ở chòi canh, bám biển để bảo vệ san hô. Mỗi khi phát hiện có hành vi xâm hại Khu bảo tồn là đội hạt nhân báo ngay cho các chiến sĩ biên phòng đồn 362 hoặc lực lượng chức năng của huyện. Riêng với người dân địa phương vi phạm quy chế, họ không chỉ bị phạt theo quy định pháp luật mà sẽ chịu sức ép tâm lý khi bị chính họ hàng, làng xóm nhìn vào.
Công không phụ người. Hơn mười năm ròng rã đã đơm hoa kết quả thật ngọt ngào. Đến nay, Rạn Trào không còn tiếng mìn nổ khai thác hải sản nữa. Khảo sát của viện Hải dương học Nha Trang cho thấy, so với trước khi thành lập Khu bảo tồn, mật độ hải sản ở đây tăng gấp 10 lần, từ 0,3 cá thể/m2 lên 3 cá thể/m2; san hô tăng từ 78 loài lên 82 loài… Rạn Trào cũng thu hút sự trở về của gần 70 loài cá rạn, trong đó có những loài có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá hồng. Ngư dân ở đây cho biết, ngay ở ngoài vùng đệm, các loài thủy hải sản đã nhiều lên, sản lượng đánh bắt đã tăng hơn nhiều.
Ngoài bám biển giữ gìn giữ san hô, chính bàn tay những người dân Vạn Hưng đã phục hồi những rạn san hô theo cách “rất riêng” để gọi các loại cá quay về. Khi Khu bảo tồn mới thành lập, để khôi phục san hô, các nhà chuyên môn đã thử đúc các bệ xi măng làm giá, gắn nuôi san hô vào đó rồi mới thả xuống biển. Đây là cách mà nhiều quốc gia Đông Nam Á khác đã làm nhưng hiệu quả không cao, và khi đưa về Rạn Trào, cách này cũng thất bại.
Sau này, ông Chim là người nảy ra ý tưởng cấy san hô sống vào chính giá thể san hô chết, chứ không phải bệ xi măng. Ông kể lại “Tôi chỉ trồng theo kinh nghiệm của một ngư dân nhiều năm gắn bó với biển. Dùng dây cước sẽ không bị ô xy hóa như dây kẽm, còn giá bằng san hô chết tất nhiên sẽ thích hợp với chính san hô hơn giá xi măng, giá thành cũng rẻ hơn vì tận dụng được nguồn san hô chết dạt lên bờ sau mỗi cơn bão”.
Thực tế cho thấy, tỉ lệ sống và tăng trưởng san hô sống đến 80 – 90%. Hiện giờ mấy ha nuôi cấy san hô của Rạn Trào phát triển tốt, có những cành san hô cao đến gần 1 mét và diện tích rạn san hô rộng đến vài km2.
Dự án hỗ trợ kết thúc nhưng mô hình bảo tồn biển do cộng đồng quản lý đầu tiên vẫn đang được duy trì. Chính quyền huyện Vạn Ninh khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân. Còn theo lời ông Cường, người dân Vạn Hưng vẫn tiếp tục giữ gìn Khu bảo tồn vì “trước nay những người dân chúng tôi đã tự tay cắt đi lá phổi của biển, chúng tôi mắc nợ biển nên sẽ bỏ công ra trả nợ cho biển. Dù không còn dự án giúp đỡ, dù huyện không hỗ trợ, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc bảo vệ Khu bảo tồn. Hơn chục năm nay, chúng tôi không nề hà gian khổ bám biển, giữ biển vì một điều tâm niệm: Giữ biển không chỉ để cho mình, cho mưu sinh hiện tại”!
Đêm buông xuống biển Rạn Trào. Ánh đèn pha từ chòi canh của tổ tuần tra hắt sáng. Trên chiếc chòi canh đơn độc đó, những ngư dân Vạn Hưng vẫn cần mẫn thực hiện tâm niệm trả nợ biển. Chúng tôi thầm mong cho nỗ lực của các anh sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái, để có thêm nhiều mô hình Rạn Trào nữa mọc lên dọc bờ biển hình chữ S.