ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, những câu chuyện hay truyền thuyết nói về loài gỗ Ngọc am có khả năng xua đuổi tà khí, mang lại sự thịnh vượng hay dùng để ướp xác… đã khiến không ít các bậc đại gia ráo riết săn tìm. Giá cho mỗi gốc Ngọc am không hề rẻ, cũng vì lẽ đó mà người dân ở các nơi vẫn hàng ngày đổ về những cánh rừng già ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang để tìm kiếm.
Truyền thuyết và thú chơi Ngọc am
Tại điểm dừng chân ở dốc “cổng trời” huyện Hoàng Su Phì, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục tấn gốc gỗ lũa Ngọc am được xếp chồng trong một nhà dân đang chờ chuyển đi tiêu thụ. Vốn tính tò mò, chúng tôi quyết định tìm hiểu những lời đồn thổi về loại gỗ đặc biệt này.
Qua trò chuyện với một cán bộ lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, chúng tôi được biết, cây Ngọc am là loại cây thuộc họ Hoàng đàn. Cây này được cho là loài Hoàng đàn rủ, tên khoa học là Cupressus funebris. Tuy nhiên Sách đỏ Việt Nam năm 2007 cho biết, Hoàng đàn là cây gỗ nhỏ chỉ gặp ở Lạng Sơn, Cao Bằng và Tuyên Quang trên một số đỉnh núi đá vôi. Loài cây gỗ lớn họ Hoàng đàn có tên Ngọc am sống trên các vùng núi đất từ Quế Phong – Nghệ An tới Tây Côn Lĩnh – Hà Giang theo tài liệu Thông Việt Nam (năm 2005) là loài Sa mu dầu, tên khoa học là Cunninghamia konishii.
Gỗ Ngọc am có hàm lượng tinh dầu cao được chiết xuất dùng làm mỹ phẩm và dược phẩm. Trước kia, thú chơi đồ lũa Ngọc am chỉ mang tính chất tự phát, khi những gốc lũa Ngọc am tình cờ được người đi rừng phát hiện, về cọ rửa thấy hình thù kỳ quái, mùi thơm đặc trưng xua đuổi được ruồi muỗi…
Đến nay, dân mê đồ gỗ vẫn thường rỉ tai những câu chuyện nhuốm màu huyền tích về thứ gỗ được mệnh danh “ngọc của rừng” – rằng xưa kia, các bậc đế vương lẫn các thành phần quý tộc đã chuộng dùng loại gỗ này. Gỗ Ngọc am được đẽo gọt thành bồn tắm, giường, ghế… , đặc biệt được chiết xuất thành tinh dầu hòa vào nước tắm hoặc dùng để ướp xác. Tương truyền nếu thi thể người chết được ướp bằng tinh dầu Ngọc am và đặt trong quan tài Ngọc am thì đến cả trăm năm xương thịt vẫn tươi, quần áo liệm vẫn còn nguyên, không rách nát. Khi khai quật mộ lên, có khi cách xa hàng trăm mét vẫn ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng.
Cũng có những giai thoại khác kể rằng thời xưa không phải ai cũng được phép sử dụng Ngọc am để chôn cất, ướp xác. Vua Tự Đức từng giáng chức một viên quan án sát vì vị này đã dám lén dùng tinh dầu Ngọc am để ướp xác cho mẹ. Nghĩa là, các triều đại phong kiến quy định rất chặt chẽ việc hạng người nào mới được gìn giữ thi thể lâu dài bằng cách dùng quan tài Ngọc am, ướp tinh dầu Ngọc am.
Đó là giai thoại về trước, còn nay, không ít lời đồn cho rằng Ngọc am có tác dụng chữa bệnh, tắm bằng bồn gỗ Ngọc am giúp cơ thể thải độc tố, lưu thông khí huyết, ngăn ngừa rôm sảy, giúp tinh thần tỉnh táo… Thậm chí, hương Ngọc am còn được coi như thứ mùi kỵ côn trùng, khiến ruồi muỗi tránh xa.
Một lý do khác khiến Ngọc am được các đại gia ráo riết săn tìm là bởi với họ đó còn là một biểu tượng tâm linh. Các tượng gỗ, tượng thế, tràng hạt, gối đầu… được làm bằng gỗ Ngọc am được cho rằng có thể đuổi tà khí, đón rước thịnh vượng về nhà. Cũng vì vậy, có những sản phẩm gỗ lũa Ngọc am lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ông Lê Khắc Tài, một đại gia có tiếng trong giới sản xuất đồ gỗ ở Bắc Ninh bảo rằng: “Với một đại gia chơi gỗ ở Việt Nam mà trong nhà, trong phòng làm việc không có mẩu Ngọc am hoặc không có vật dụng gì bằng gỗ sưa thì chưa thực sự sành điệu”. Tuy nhiên, ngay cả nhiều người hiện tại sở hữu Ngọc am chắc hẳn cũng không thể biết được Ngọc am có thực sự quý giá, có thực sự hữu dụng như lời đồn thổi hay chỉ là tương truyền.
Đua nhau lên rừng săn Ngọc am
Ông Triệu Bá Vường, 60 tuổi, trú tại xã Tả Sử Choóng, Hoàng Su Phì khẳng định, chính những truyền thuyết đã khiến Ngọc am bị săn lùng ráo riết. Cuộc săn tìm ráo riết Ngọc am ấy đã diễn ra cách đây mấy chục năm. Nhiều người đã quên hẳn ký ức về loài gỗ này, tuy nhiên, một vài năm trở lại đây cơn sốt Ngọc am lại rộ lên. Người ta thi nhau vào rừng đào bới, moi móc tìm những gốc rễ còn sót lại trong cuộc chặt phá từ cả mấy thế kỷ trước…
Anh Xẻn Chín Thầu, một tay buôn gỗ có tiếng ở xã Nậm Khòa kể lại: “Năm 2001, một lần tôi đưa bạn hàng người Trung Quốc qua kiểm hàng, bỗng nhiên anh kia trố mắt khi nhìn thấy gốc Ngọc am tôi để sau bếp. Anh ta ngỏ ý muốn mua bộ gốc này với giá 30 triệu đồng, mãi về sau tôi mới biết anh ta về sang nhượng lại cho một đại gia ở Nam Ninh với giá cao gấp 5 lần đã mua. Từ khi bán gốc Ngọc am, tôi quyết định chuyển sang thu mua, thuê người lên rừng săn tìm”.
Ngay bản thân cái tên Ngọc am đã làm người nghe mường tượng ra đây hẳn không phải là một loại gỗ thông thường (am là nằm sâu dưới lòng đất). Anh Thầu cho biết thêm, từ năm 2001 đến nay, không chỉ có anh mà có rất nhiều đội cùng vào rừng rậm ở Hoàng Su Phì lục tung rừng và ven bờ sông suối để tìm Ngọc am.
Tại Hà Nội, có rất nhiều đại gia mua gỗ lũa Ngọc am để trưng bày với giá rất cao. Tuy nhiên, tại các cửa khẩu như Thanh Thủy, Vị Xuyên, Lao Chải, Ngọc am hàng ngày vẫn bị tuồn qua bên kia biên giới.
Không ít đại gia sẵn sàng chi vài chục triệu đồng cho một đoạn thân gỗ lũa Ngọc am dùng để trang trí trong nhà hay cả trăm triệu để mua một bộ bàn ghế bằng Ngọc am. Thậm chí, nhiều người chỉ cần bê một thân gỗ Ngọc am chưa đẽo gọt về nhà cũng đã được xem là sang và “chơi” lắm.
Trong khi các đại gia vẫn ráo riết tung tiền săn lùng gỗ Ngọc am, các cánh buôn gỗ lậu vẫn đang ngày đêm tìm kiếm, rình mò trong các cánh rừng ở Hoàng Su Phì, và giá cả Ngọc am vẫn ngày một tăng lên chóng mặt theo những lời đồn thổi… thì chúng ta vẫn chưa có một công trình nghiên cứu tỉ mỉ nào về tác dụng thực của loại gỗ này. Chỉ biết rằng, các cánh rừng được cho là sót lại gỗ Ngọc am đang bị lục tung và nguy cơ loài gỗ quý này biến mất không phải chuyện xa vời.