ThienNhien.Net – Không phải ngẫu nhiên mà vai trò của người phụ nữ lại ngày càng được đề cao trong các dự án, chương trình nghiên cứu về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường bởi thực tế chỉ ra rằng, trong xã hội, phụ nữ chính là người tạo nên các mối liên hệ với môi trường – họ vừa là đối tượng nhạy cảm chịu ảnh hưởng trực tiếp, vừa là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong công tác giữ gìn, bảo vệ môi sinh. Trong vai các nhà giáo dục môi trường, nhà hoạt động xã hội, phụ nữ đã từng bước khẳng định được vị thế và giá trị của mình, đồng thời góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình xây dựng một hành tinh xanh, bền vững. Xin điểm lại một vài sự kiện đánh dấu những thành quả tiêu biểu mà họ đã đạt được thay cho lời chúc nhân ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3.
Khởi đầu từ chuyển biến trong nhận thức
Trong vài thập niên trở lại đây, sự gia tăng nhu cầu khai thác các nguồn tài nguyên theo cấp số nhân đã gây nguy hại lớn tới môi trường toàn cầu, kéo theo vô số hệ lụy khôn lường về đời sống và sức khỏe con người. Trong đó, trẻ em và phụ nữ là hai đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thực tế cho thấy, bản thân phái nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, và trẻ em dưới 2 tuổi thường dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa môi trường, nhất là phụ nữ và trẻ em sống ở vùng nông thôn hoặc vùng ngoại ô các nước đang phát triển.
Ý thức sâu sắc được điều này, giới nữ ở nhiều nơi trên thế giới đã dần đứng lên tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, coi đó như một hành động thiết thực để bảo vệ cuộc sống của bản thân và gia đình.
Đây là điều hoàn toàn trái ngược với trước kia, khi phụ nữ vốn chỉ được xem là nhân tố thụ động chứ không phải là hạt nhân hay động lực của sự phát triển. Tuy nhiên, giờ đây vai trò của họ đối với nền kinh tế và với tương lai môi trường đã được thừa nhận và nhìn nhận một cách đúng đắn hơn.
Bản khảo sát toàn cầu về thái độ cộng đồng đối với môi trường do Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) thực hiện cũng chỉ ra rằng, không giống với các đấng mày râu, đa phần phụ nữ đều lựa chọn cho mình một cuộc sống vừa đủ nhưng ít rủi ro về sức khỏe hơn là một cuộc sống quá mức no đủ nhưng lại đầy rẫy rủi ro. Đây cũng có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến nữ giới thường có thái độ và hành vi tích cực, chủ động hơn nam giới trong công tác bảo vệ môi trường toàn cầu.
Tiếp nối bằng nỗ lực và hành động
Nhắc đến những tấm gương nữ giới điển hình đã có đóng góp tích cực cho các hoạt động bảo vệ môi trường trên Trái đất, không thể không kể tới Wangari Maathai, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2004, kiêm nhà sáng lập Phong trào Vành đai xanh nổi tiếng thế giới.
Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, các tình nguyện viên tham gia Phong trào Vành đai xanh mà đa phần là phụ nữ đã trồng được trên 30 triệu cây xanh, góp phần hiện thực hóa Chiến dịch 7 tỷ cây đang diễn ra rầm rộ trên quy mô toàn cầu.
Đóng vai trò là người khởi xướng và truyền nhiệt huyết cho phong trào, Wangari Maathai đã giúp hồi sinh không ít cánh rừng ở Kenya, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc trao quyền cho phụ nữ nông thôn trong sứ mệnh bảo vệ môi trường.
Tại Nepal, Saraswoti Bhetwal cũng nổi lên như một mẫu hình phụ nữ giỏi giang trong việc thích ứng với hoàn cảnh mới nhờ tiếp thu khoa học, kỹ thuật tiên tiến từ Trung tâm Phát triển Vùng núi Quốc tế (ICIMD).
Thông qua việc áp dụng triệt để các giải pháp như tích nước từ mái nhà, tưới nhỏ giọt, ủ phân…, bà đã phủ kín nhiều diện tích đất trống ở ngôi làng Lamdihi dưới chân Himalaya bằng những cánh đồng đậu, ớt, cà chua, mướp đắng… màu mỡ.
Tới xứ sở Bạch Dương, chúng ta sẽ tiếp tục được nghe câu chuyện kể về tấm gương đầy nỗ lực của nhà khoa học nữ Olga Speranskaya, người đã hợp tác thành công với cộng đồng phi chính phủ (NGO) ở Đông Âu, Caucasus và Trung Á trong việc đẩy mạnh công tác nhận dạng và loại bỏ các hóa chất độc hại tồn dư từ thời Xô Viết ra khỏi môi trường.
Trong khi đó, ở Mỹ Latinh, những người phụ nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội hiện cũng đang tích cực tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động hơn trong việc áp dụng các chiến lược phát triển bền vững kết hợp giảm nghèo.
Năm 1998, sau khi cơn bão Mitch đổ bộ vào Honduras, cộng đồng nữ giới Garifuna bản địa gốc Phi cư trú dọc bờ biển Ca-ri-bê của Honduras đã cùng nhau thành lập Ủy ban Khẩn cấp Garifuna. Tổ chức này vừa đóng vai trò là ngân hàng hạt giống giúp đảm bảo an ninh lương thực, vừa thúc đẩy các dự án trồng cây ven biển nhằm làm giảm xói mòn và giúp cộng đồng vùng nhiều rủi ro triển khai các dự án tái định cư.
Đáng chú ý là trong năm 2011, thế giới đã vinh danh ba người phụ nữ vừa có đóng góp trong việc thúc đẩy nền hòa bình thế giới, vừa giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Cả ba nhân vật tên tuổi gồm Ellen Johnson Sirleaf – Tổng thống Liberia, Leymah Gbowee – nhà hoạt động vì hòa bình người Liberia, và nhà vận động vì dân chủ người Yemen – Tawakkol Karman đều đã được trao Giải Nobel Hòa bình 2011 vì những cống hiến lớn lao ấy.
Ngoài những thành quả nổi bật nêu trên, sự tham gia ngày một đông đảo của phái nữ trong các nhóm chuyên gia, các hoạt động tập huấn, đào tạo về môi trường cũng phần nào khẳng định vị thế và tiếng nói của nữ giới, từ đó giúp cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách hiểu thêm về mối liên kết có tính quyết định giữa phái nữ, vấn đề sử dụng tài nguyên, và phát triển bền vững.
Xin mượn lời bà Diane Reed, Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Cree (Cree Society for Communications) để thêm một lần nữa ghi nhận và tôn vinh vai trò của nữ giới không chỉ trong công tác bảo vệ môi trường mà trong mọi hoạt động xã hội có sự tham gia của họ – rằng “ngày nay, vai trò của người phụ nữ đang tăng lên rõ rệt. Ắt hẳn khi vai trò nữ giới ở từng quốc gia được khẳng định thì tiếng nói của họ cũng vô cùng mạnh mẽ và đến một lúc nào đó, tiếng nói ấy sẽ thực sự được cộng đồng quốc tế lắng nghe”.