ThienNhien.Net – Châu Á – Thái Bình Dương có tiềm năng dẫn đầu thế giới về giảm lượng phát thải các-bon nhưng với điều kiện khu vực này phải đi theo một chiến lược phát triển mới – đây là nhận định nằm trong một nghiên cứu chung do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc phối hợp thực hiện.
Bản báo cáo mới được công bố giữa tháng 2/2012 – cho biết, từ giữa những năm 1990 trở lại đây, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên nhất. Và nếu xu hướng này tiếp tục phát triển thì lượng phát thải các-bon của toàn khu vực có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2050, tạo áp lực rất lớn lên hệ sinh thái của Trái đất. Muốn lật ngược được “thế cờ”, cần phải xây dựng một mô hình phát triển mới nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm lượng lớn các loại khí thải, chủ yếu là khí hydrocarbon.
Hiện nay, Châu Á – Thái Bình Dương đang là khu vực dẫn đầu thế giới về các cam kết đầu tư xanh bao gồm cả kinh phí đầu tư cho các nhà máy phát điện phát thải ít các-bon và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Theo Báo cáo, khoảng 2/3 trong số 8.000 tỉ USD dùng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực từ nay đến năm 2020 sẽ trở thành một dạng đầu tư mới, mang lại nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp thiết kế, đầu tư, xây dựng và quản lí các công trình, hệ thống giao thông xanh và những cơ sở hạ tầng bền vững khác.
Ngoài ra, Báo cáo cũng khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách cần xem xét thêm một số biện pháp kích thích phát triển kinh tế xanh khác như: cải cách thuế sinh thái đánh vào các đối tượng gây ô nhiễm; khuyến khích, khen thưởng những doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động giảm thải các-bon, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường; xây dựng kế hoạch tài chính một cách hợp lý, sáng tạo nhằm giảm gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu và rủi ro cho nhà đầu tư.