Ngành công nghiệp gỗ khó cất cánh nếu thiếu nguồn nguyên liệu bền vững

ThienNhien.Net – Tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong năm 2005 tăng 32% so với năm 2004 nhưng đến 2011, con số này chỉ dừng ở mức 12% (1) so với năm 2010. Sự chênh lệch trong các mức tăng trên có thể được lý giải do sự ổn dần của thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đặc biệt là thị trường Mỹ và EU, cũng có thể là dấu hiệu cho thấy sự thận trọng của các thị trường này đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ những cánh rừng nhiệt đới. Và cũng có thể xuất phát từ chính những yếu tố không bền vững còn tiềm ẩn trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.

Bức tranh tổng thể về cán cân xuất nhập

Năm 2011 chứng kiến sự gia tăng ngoạn mục về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu được từ thị trường Châu Á, đặc biệt là 3 thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tổng kim ngạch xuất khẩu thu được từ 3 thị trường này đạt 1,4 tỉ USD, chiếm hơn 1/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Tuy nhiên, một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada, Pháp lại chỉ tăng ở mức nhẹ khoảng vài phần trăm so với năm 2010, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu suy giảm mạnh do tác động chung của nền kinh tế suy thoái.

Về tổng thể, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 1 năm 2012 chỉ đạt khoảng 300 triệu đô, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái (2). Đây có thể là tín hiệu không mấy thuận lợi cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Việt Nam năm 2011 tăng tới 17,6% so với cùng kỳ, đạt khoảng 1,354 tỉ đô la. Và hàng năm, Việt Nam vẫn còn phải nhập khoảng 3-3,5 triệu m3 gỗ từ nước ngoài phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến (3), trong đó Lào hiện đang là nước dẫn đầu trong số 10 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất vào Việt Nam với gần 314 triệu đô la, tăng 92,8% so với năm 2010.

Cùng với  Lào, Mianma, Campuchia và Indonesia tiếp tục nằm trong 10 nước có kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất vào Việt Nam. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu từ 2 thị trường Mianma và Campuchia năm 2011 có xu hướng giảm so với 2010 nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu từ hai thị trường này vẫn đạt khoảng 88 triệu đô.

Giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu là con đường hướng đến sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam (Ảnh minh họa: environment.mard.gov.vn)

Tuy nhiên, điểm đáng quan ngại trong cán cân nhập gỗ của Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước hiện vẫn sử dụng tương đối nhiều gỗ các nguồn gốc từ rừng nhiệt đới, trong số đó có một số lượng gỗ lớn chưa đạt chứng chỉ. Đây cũng có thể là lý do khiến các thị trường tiềm năng thận trọng và dè dặt hơn trong việc nhập gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt Nam, nhất là khi các hiệp ước về quản trị thương mại lâm sản được áp dụng trên diện rộng.

Thiếu nguồn nguyên liệu bền vững – thách thức lớn nhất của ngành công nghiệp gỗ

Hầu hết các đại biểu tham dự Diễn đàn doanh nghiệp “Thúc đẩy trồng rừng, chế biến và xuất khẩu lâm sản theo hướng bền vững” (4) đều nhất trí cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp chế biến gỗ đang gặp phải là việc thiếu nguồn nguyên liệu bền vững cho hoạt động chế biến hiện tại.

Lý giải về việc tại sao ngành công nghiệp trồng rừng của Việt Nam không thể sản xuất gỗ lớn từ rừng trồng nhằm dần thay thế nguồn nhập khẩu, các đại biểu cho rằng do còn gặp nhiều vướng mắc về vấn đề vốn, đất đai, giống cây lâm nghiệp và cả cách tiếp cận thị trường.

Vốn trồng rừng

Đầu tư trồng rừng cần nguồn vốn lớn và dài hạn. Chu kỳ khai thác của cây như keo cần ít nhất khoảng 6-7 năm, nếu cần cây có đường kính lớn thì chu kỳ dài hơn, khoảng 10 năm. Với chu kỳ như vậy, rất khó để doanh nghiệp hoặc hộ gia đình có vốn dài hạn để có thể đạt được cây gỗ lớn.

Hiện có khoảng 1,2 triệu hộ gia đình đang được Nhà nước giao quản lý khoảng trên 3 triệu ha đất rừng. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển rừng trồng, từ đó tạo nguồn nguyên liệu gỗ cho ngành chế biến. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế, nhiều hộ gia đình chưa có điều kiện đầu tư vào trồng rừng, một số có đầu tư ban đầu nhưng lại buộc phải khai thác sớm dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.

Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đang mong muốn có đất để trồng rừng, bởi đầu tư vào trồng rừng tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, tiếp cận nguồn vốn dài hạn để đầu tư trồng rừng vẫn là vấn đề nan giải bởi không ngân hàng nào hiện sẵn sàng cung cấp nguồn tín dụng dài hạn kiểu này.

Kể cả trong trường hợp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn trồng rừng, lãi suất ngân hàng tại thời điểm hiện tại (trên 20%) vẫn lớn hơn rất nhiều so với tỉ số phát triển thường niên của cây (khoảng 15-20%/năm), do vậy “cây lớn không nhanh bằng lãi suất” – theo lời của ông Võ Trường Thành tại Diễn đàn.

Đất đai

Đất rừng sản xuất của Việt Nam có đặc điểm manh mún. Điều này là kết quả của chính sách giao đất giao rừng cho các hộ gia đình đã được Chính phủ thực hiện từ những năm 1990. Tính đến nay, bình quân mỗi hộ gia đình được giao đất quản lý khoảng 3 ha, do đó việc phát triển diện tích rừng tập trung nhằm tạo nguyên liệu cho ngành chế biến hiện đang gặp nhiều khó khăn. Trên cả nước, khó có thể tìm thấy khu vực rừng tập trung với tổng diện tích vài chục ngàn ha.

Giống cây lâm nghiệp

Theo phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần tại Diễn đàn, những tồn tại của ngành lâm nghiệp, đặc biệt là sự khó khăn trong việc phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành công nghiệp chế biến chứng tỏ ngành chưa phát triển đúng hướng, và một trong những nguyên nhân chính là vấn đề giống cây lâm nghiệp. Nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn cũng như tại các cuộc hội thảo của ngành cũng nhất trí với nhận định này.

Tiếp cận thị trường

Hạn chế của tiếp cận thị trường cũng là một trong những yếu tố làm giảm lượng gỗ cung cho ngành công nghiệp chế biến.

Hiện nay tại một số địa bàn, ví dụ như Lạng Sơn và một số tỉnh lân cận, do thiếu công nghệ chế biến và do gỗ có đường kính nhỏ nên gỗ khai thác từ rừng trồng không được đưa vào chế biến đồ gia dụng và xuất khẩu mà tất cả được đưa vào làm dăm gỗ (5).

Thêm vào đó, do khó tiếp cận với thị trường nguyên liệu chế biến (ví dụ người mua, cơ sở hạ tầng giao thông) nên lợi ích kinh tế thu được từ sản xuất dăm chênh không nhiều so với lợi ích từ việc sản xuất gỗ xẻ, trong khi lượng lao động đầu tư cho sản xuất dăm lại ít hơn. Đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất dăm, mặc dù có những cây có đủ kích thước cho chế biến đồ mộc.

Giải pháp và đề xuất

Để giải quyết các khó khăn nêu trên nhằm tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành công nghiệp chế biến, các đại biểu tham dự Diễn đàn cho rằng, chính phủ cần có cơ chế ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo các doanh nghiệp trồng rừng và hộ gia đình có thể tiếp cận với nguồn vốn vay dài hạn từ ngân hàng và nguốn vốn ODA.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tới vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình. Doanh nghiệp có vốn và công nghệ nhưng thiếu đất trồng rừng. Người dân có đất, có lao động nhưng lại thiếu công nghệ và vốn. Sự liên doanh liên kết giữa hai khối này với nhau sẽ có thể giải quyết được vấn đề thiếu đất, thiếu lao động và công nghệ. Tuy nhiên, liên kết này có thành công hay không đòi hỏi sự tham gia tích cực của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương.

Ngoài ra, cần lưu tâm tới vấn đề liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến và trồng rừng. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chế biến tập trung ở phía Nam trong khi các doanh nghiệp trồng rừng lại tập trung nhiều ở phía Bắc. Nếu liên kết này được hình thành một cách chặt chẽ sẽ là cơ hội để tăng nguồn cung về gỗ cho ngành công nghiệp chế biến đồ mộc, giảm lượng gỗ đưa vào sản xuất ván dăm.


(1,2) Nguồn: Nguyễn Tôn Quyền, báo cáo trình bày tại Diễn đàn doanh nghiệp trồng rừng, chế biến và xuất khẩu lâm sản, TP. Hồ Chí Minh, ngày 24/2/2012.

(3) Nguồn: Nguyễn Tôn Quyền, ý kiến trình bày tại Diễn đàn doanh nghiệp trồng rừng, chế biến và xuất khẩu lâm sản, TP. Hồ Chí Minh, ngày 24/2/2012.

(4) Diễn đàn doanh nghiệp “Thúc đẩy trồng rừng, chế biến và xuất khẩu lâm sản theo hướng bền vững” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 24/2/2012 tại TP. Hồ Chí Minh.

(5) Nguồn: Ông Lê Minh Tuân, Công ty Cổ phần Lâm Sản Thịnh Lộc. Thông tin chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp “Thúc đẩy trồng rừng chế biến và xuất khẩu lâm sản theo hướng bền vững”, TP. Hồ Chí Minh, 24/2/2012.