ThienNhien.Net – Những người nông dân vùng châu thổ Rufiji ở miền Nam Tanzania bị buộc tội phá hủy rừng ngập mặn chỉ vì họ cần đất canh tác. Hàng nghìn héc-ta đất trồng lúa của họ ở vùng đồng bằng đã bị nước mặn xâm lấn. Câu chuyện là một minh chứng điển hình về những ảnh hưởng mà biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng gây ra đối với cộng đồng nghèo ở những vùng rủi ro cao.
Đắng lòng vì nước mặn
Cộng đồng dân cư trên 15 vạn dân vốn có cuộc sống yên bình trên vùng châu thổ sông Rufiji của Tanzania. Hơn 90% gia đình sống bằng nghề trồng lúa. Một số có thu nhập thêm từ đánh bắt cá và làm đồ đan lát từ cây lấy sợi của vùng đất ngập nước.
Tuy nhiên, trong vài thập kỷ trở lại đây, những cánh đồng nằm rải rác trong vùng đã nhanh chóng bị nước mặn xâm lấn khiến hàng nghìn héc-ta lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Sản lượng lương thực theo đó cũng sụt giảm nghiêm trọng, nhiều nơi giảm tới một phần ba.
Ngậm ngùi về những mùa vụ thất thu, cụ ông Swaleh Jongo 76 tuổi, một nông dân ở làng Nyamisati, chia sẻ: “Vụ mùa vừa qua thất bát quá, mỗi héc-ta thu hoạch chẳng nổi 20 bao gạo, chứ như trước ít ra chúng tôi cũng thu được 30 bao”.
Trước tình trạng xâm nhập mặn do thủy triều từ Ấn Độ Dương, hàng nghìn nông dân vùng châu thổ sông Rufiji buộc phải kiếm tìm những vùng đất mới để canh tác. Trên con đường tìm kiếm ấy, một bộ phận dân cư xâm phạm vào vùng rừng ngập mặn, họ phá bỏ cây ngập mặn để lấy đất trồng lúa. Việc làm này đã trở thành ngòi châm cho những xung đột giữa cộng đồng dân cư với chính quyền.
Kết quả nghiên cứu của nhóm môi trường thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phối hợp với trường Đại học Sokoine (Tanzania) tiến hành cho biết chỉ trong vòng 2 – 3 thập kỷ qua, diện tích rừng bị chặt phá để trồng lúa đã vượt quá 5.000ha. Dĩ nhiên, trong đó phải kể đến nguyên nhân không nhỏ là áp lực gia tăng dân số và việc sử dụng tài nguyên thiếu bền vững của người dân.
Giải quyết không thể bằng vội vã
Chính phủ Tanzania đã áp dụng nhiều biện pháp can thiệp nhằm ngăn chặn tình trạng dân lấn rừng, kể cả biện pháp rắn, song vẫn không giải quyết được vấn đề. Tháng 12/2011, Ban quản lý Dự án Quản lý Rừng ngập mặn (MMP) thuộc Bộ Du lịch và Tài nguyên Tanzania đã mạnh tay tổ chức một chiến dịch “di dân khỏi rừng” kéo dài 5 ngày. Tuy nhiên, họ đã bị phản kháng mạnh mẽ. Với cái lý tổ tiên mình đã cư trú trong rừng qua nhiều đời, người dân cương quyết không chịu rời đi.
Xung đột kéo dài giữa chính quyền và người dân đã khiến người ta hoài nghi về các kế hoạch hỗ trợ quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng dưới cơ chế Giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng kết hợp Bảo tồn, Quản lý bền vững, Tăng dự trữ các-bon (REDD+) của Liên Hợp quốc. Chuyên gia của WWF tỏ ý lo ngại dự án UNREDD+ có nguy cơ bị phá sản chừng nào căng thẳng về đất đai không được giải quyết và cộng đồng vẫn còn ngờ vực rằng bất kỳ sáng kiến quản lý nào cũng đều xuất phát từ ý đồ đuổi họ ra khỏi rừng.
Cũng như người dân vùng sâu ở các nơi khác, nhiều nông dân Rufiji không có khái niệm về Luật Lâm nghiệp, hay luật pháp nói chung. Họ không biết rằng Chính phủ Tanzania đã ban hành Luật Lâm nghiệp năm 2002, nghiêm cấm mọi hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực tới các khu bảo tồn, trong đó có một phần của Rufiji.
Trong cộng đồng cũng có một số người nắm luật. Saidi Ali, một nông dân sở hữu 10ha đất canh tác, lý luận: “Chúng tôi tôn trọng Chính phủ. Chúng tôi chỉ trồng lúa bên ngoài chứ không hề chạm vào các khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt như Kikale hay Msindaji. Vùng cấm chỉ là một phần chứ không thể là toàn bộ Rufiji”.
Ali cho biết những biến đổi thời tiết đã làm thu hẹp diện tích nông nghiệp của vùng châu thổ, đặc biệt ở những vùng canh tác lâu đời cao hơn như Paje, Ngazini, lượng mưa đã giảm, người dân không còn trồng lúa trong vài thập kỷ trở lại đây.
Đại diện Ủy ban Quản lý Lưu vực sông Rufiji (RUBADA) cho hay tình trạng xâm nhập mặn ở vùng châu thổ sẽ còn gia tăng. Điều này diễn ra trong bối cảnh dân số vẫn tăng nhanh và việc khai thác tài nguyên quá mức vẫn tiếp diễn.
Về phía người dân vùng châu thổ Rufiji, họ có nhiều lý do để lo lắng rằng cứ với tình hình sản lượng vụ mùa giảm như vừa qua, trong khi Chính phủ vẫn tiếp tục ngăn cản canh tác trên đất rừng, nhiều hộ gia đình sẽ phải trông chờ vào khoản lương thực trợ cấp trong mùa vụ tới.
Jummanne Mwalekwa, một nông dân ở Nyamisati, than thở: “Muối ở trong đất thì không thể nhìn thấy, nhưng rõ ràng chúng tôi chẳng thể trồng cấy được nữa. Giờ đây, Chính phủ quy tội rằng chúng tôi lấn rừng. Vậy chúng tôi phải về đâu?”.
Rút bài học sau thất bại của cuộc càn quét “di dân khỏi rừng”, chính quyền đã nới lỏng quy định. Ít nhất, nay họ cũng đã cho phép người dân trong vùng rừng ngập mặn tiếp tục các hoạt động của mình trong khi cơ quan chức năng thu thập thêm các dữ liệu về tác động mà người dân có thể gây ra đối với môi trường.