ThienNhien.Net – Thời gian này, trong khi chính phủ các nước khu vực Mê Kông đang thận trọng cân nhắc về con đập Xayaburi được đề xuất xây dựng tại Lào thì Chính phủ Thái Lan lại có động thái ngược lại: không tuân thủ tiến trình ra quyết định cấp khu vực, đồng thời tiếp tục thúc đẩy việc thực thi dự án.
Sau Lào, đến lượt Thái Lan
Những phiên điều trần gần đây của Thượng viện Thái Lan và Ủy ban Nhân quyền Quốc gia (NHRC) cho biết, cùng với Lào, chính phủ nước này đã lên tiếng khẳng định tiến trình khu vực đã hoàn tất, theo đó Tập đoàn Ch. Karnchang – chủ đầu tư dự án đập – sẽ được phép tiến hành thi công.
Điều đó chẳng khác nào “Chính phủ Thái Lan chấp nhận phớt lờ các thỏa hiệp được đưa ra hồi cuối năm ngoái giữa chính phủ 4 nước hạ lưu Mê Kông và gạt bỏ mọi quan ngại từ phía Campuchia và Việt Nam. Dù rằng có tới trên 8 tỉnh Thái Lan dễ gặp rủi ro trước những tác động xuyên biên giới của đập thủy điện Xayaburi thì Thái Lan vẫn cứ “bình chân như vại”, coi nhẹ trách nhiệm bảo vệ người dân khỏi mối nguy này. Càng vô trách nhiệm hơn khi chính quyền Thái vẫn vỗ tay ủng hộ việc xây đập trong thời điểm các tác động của dự án đối với Thái Lan chưa hề được nghiên cứu đầy đủ” – Pianporn Deetes, đại diện Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế (IR) tại Thái Lan, bình luận.
Bản khảo sát mới nhất của IR tiết lộ, giai đoạn chuẩn bị xây đập Xayaburi vẫn đang diễn ra bất chấp quyết định tạm hoãn xây đập để nghiên cứu tác động sâu hơn được 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đưa ra tại Cuộc họp Cấp Hội đồng của Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) hồi đầu tháng 12/2011 trước khi có phán quyết cuối cùng về việc có nên xây đập. Thậm chí, một lượng lớn nhân công cũng đã được huy động trong suốt 2 năm qua để xây dựng đường sá và các công trình phục vụ dự án.
Trong một lá thư đề ngày 30/01/2012, Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Arak Cholthanon thông báo với Ủy ban Điều tra Tham nhũng và Thúc đẩy Quản trị tốt thuộc Thượng viện Thái Lan rằng “Bộ Tài nguyên chính thức xác nhận tiến trình Tham vấn Trước đã hoàn tất”. Ông còn nói rõ: “Cơ quan Điện lực Thái Lan (EGAT) và Tập đoàn Ch. Karnchang đã ký hợp đồng mua điện từ 29/10/2011”.
Phản đối của chính người dân Thái Lan
Ngày 21/02/2012, nghĩa là chỉ cách đây hơn 1 tuần, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan đã tổ chức một phiên điều trần công khai về đập Xayaburi sau khi nhận được đơn kiện của các cộng đồng dân cư ở 8 tỉnh Thái Lan.
Tại phiên điều trần, một số quan chức Chính phủ Thái Lan, bao gồm các đại diện của EGAT, Bộ Năng lượng và Ủy ban Điều tiết Năng lượng, đã xác nhận họ có dính líu tới dự án đập trên dòng chính Mê Kông. Chưa hết, 5 doanh nghiệp Thái Lan là Tập đoàn Ch. Karnchang, Ngân hàng Krung Thai, Ngân hàng Bangkok, Ngân hàng Kasikorn và Ngân hàng Thương mại Siam cũng chứng thực mối liên quan của mình.
Phiên điều trần xác nhận 4 ngân hàng lớn của Thái chính là những chủ đầu tư của dự án. Về phía chính quyền Thái Lan, trong một quyết định ban hành ngày 15/11/2011, nội các nước này đã cấp phép cho Ngân hàng nhà nước Krung Thai được đầu tư vào Xayaburi. Tuy nhiên, khi Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan yêu cầu giải trình các bước khảo sát tác động môi trường và xã hội của dự án thì các ngân hàng trên đều không thể giải trình rõ.
“Đây quả là một điều bất ngờ khi chỉ cần dành 5 phút tìm kiếm trên mạng internet đã có thể nhận ra vô khối vấn đề, đáng chú ý là làn sóng nghi ngại từ các cộng đồng dân cư Thái Lan”, bà Deetes bày tỏ. Và theo cách lý giải của bà, “nhiều khả năng chính sự liều lĩnh quyết theo đuổi dự án của EGAT cũng như các doanh nghiệp Thái Lan sẽ phá hỏng uy tín của cả một quốc gia”.
Trước khi quá muộn, Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế kêu gọi Chính phủ Thái Lan lập tức hủy bỏ hợp đồng mua điện, đồng thời kêu gọi các ngân hàng Thái nhanh chóng rút vốn khỏi dự án xây đập.
Cách đây hơn 2 tuần, “Chiến dịch Đi bộ Hòa Bình vì Mê Kông (Peace Walk for the Mekong)” cũng đã được tổ chức dọc sông Mê Kông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về những mối nguy từ đập Xayaburi, đồng thời yêu cầu hoạt động quản lý các nguồn tài nguyên lưu vực sông phải đảm bảo yếu tố hài hòa, trách nhiệm và có sự tham gia của nhiều bên chứ không riêng Thái Lan và Lào.
Như đã biết, địa điểm xây đập Xayaburi – cánh cửa mở màn cho chuỗi 12 đập được đề xuất xây dựng trên dòng chính Mê Kông – là ở Bắc Lào, nhưng Thái Lan lại là chủ đầu tư và trực tiếp thi công con đập.
Trước đó, Chính phủ Thái đã lên kế hoạch mua 95% điện sản xuất từ Xayaburi, mặc dù theo kết quả của một nghiên cứu độc lập, trong những thập kỷ tới, Thái Lan không cần điện từ Xayaburi vẫn có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện năng trong nước. Song, có lẽ những mối lợi ích quá lớn khiến Thái Lan vẫn mãi chưa dứt ra được khỏi dự án đập đầy tranh cãi này.