ThienNhien.Net – Trên đây là nhận định của ông Arjun Thapan, cố vấn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong một tuyên bố hôm thứ hai, 20/2/2012.
Ông Arjun Thapan cũng cảnh báo lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ giảm 85% do sự suy giảm dòng chảy ở vùng thượng lưu sông Mê Kông.
Trước đó, tại một hội thảo về nước, thực phẩm và năng lượng ở tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) ông Thapan từng nhận định lưu vực sông Mê Kông sẽ không còn hoàn toàn là đồng bằng nữa, nước biển có thể sẽ lấn sâu khoảng 100 km vào đất liền.
Các quốc gia GMS phát triển khá nhanh chóng trong hai thập kỷ qua nhưng hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn do nhu cầu về nguồn nước đang ngày một gia tăng. Ông cho rằng để giải quyết vấn nạn này cần có sự hợp tác khu vực.
Hệ thống 12 con đập được dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông, tuy nhiên, cho đến nay chưa có đập thủy điện dòng chính nào được thông qua do nguy cơ gây ảnh hưởng lớn tới nguồn thủy sản, cộng đồng và môi trường không thể phục hồi. “Nếu tất cả các dự án thủy điện được tiến hành, sản lượng cá của toàn khu vực sẽ giảm 45% ”, ông Thanpan nói.
Các chuyên gia của ADB cũng kêu gọi các nước GMS hợp tác cho một kế hoạch phát triển chung để phân bổ và sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý và bền vững. Còn theo ông Stephen Geoff, phó Chủ tịch ADB, việc điều tiết mối quan hệ mật thiết giữa nước – lương thực – năng lượng sẽ là thách thức to lớn nhất trong thập kỷ này.