ThienNhien.Net – Hòn đảo lớn Sumatra (Indonesia) đang trở thành khu vực mất rừng nhiều nhất thế giới, đi kèm với nó là sự suy giảm số lượng nhiều loài động vật quý hiếm như hổ, voi, đười ươi, tê giác… Và một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này – theo Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) – chính là hoạt động sản xuất giấy vệ sinh của một số doanh nghiệp châu Á, điển hình là Công ty TNHH Giấy và Bột giấy Châu Á (APP) thuộc Tập đoàn Sinar Mas.
Báo cáo mới nhất của WWF cho biết những năm gần đây, APP đang nhanh chóng lấn sân sang thị trường Hoa Kỳ bằng các sản phẩm giấy lấy nguyên liệu từ những cánh rừng mưa Sumatra.
Kể từ năm 1984, công ty này đã phá hủy gần 2 triệu héc-ta rừng trên đảo Sumatra nhằm mục đích phân phối và mở rộng các sản phẩm giấy thông qua nhiều công ty giấy Hoa Kỳ, trong đó bán chạy nhất là sản phẩm giấy vệ sinh Paseo.
Để phục vụ cho mục tiêu phát triển của mình, APP đã biến những vùng rừng mưa rộng lớn ở Sumatra thành các đồn điền bột gỗ, trong đó có nhiều khu vực là nơi cư trú cuối cùng của các loài động vật nguy cấp quý hiếm như hổ Sumatra, voi, đười ươi…, và cũng là nguồn sống của nhiều cộng đồng sinh sống trên đảo.
Theo ước tính của Bộ Lâm nghiệp Indonesia, tổng lượng phát thải các-bon do phá rừng cùng với tình trạng phân hủy và đốt cháy than bùn hàng năm đã lên tới 1,2 tỷ tấn, đưa Indonesia trở thành nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới. Khoảng 60% tổng lượng phát thải ấy có nguồn gốc từ tỉnh Riau, trung tâm phá rừng và sản xuất bột giấy của công ty APP.
Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mặt trái của những hoạt động khai thác gỗ và sản xuất giấy thiếu bền vững, gây nguy hại đến hệ sinh thái rừng, đặc biệt là những quần thể động, thực vật cư trú trong rừng; đồng thời nhắn gửi nhiều thông điệp ý nghĩa tới những người tiêu dùng chỉ mặc nhiên sử dụng sản phẩm mà không bao giờ để ý đến nguồn gốc của chúng.