ThienNhien.Net – Kết quả dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dựa trên mô hình thủy lực HydroGis và phần mềm Mike 11 cho thấy, năm 2012 dọc các sông chính ĐBSCL, độ mặn sẽ thấp hơn cùng kỳ năm 2011. Độ mặn cao nhất năm nay rơi vào khoảng giữa tháng 3 đến đầu tháng 5. Hầu hết tại các sông chính vùng Biển Đông, độ mặn 4 g/l có thể xâm nhập sâu vào khoảng 30-40 km kể từ cửa sông.
Dọc các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Định An, Trần Đề, Cung Hầu và Hàm Luông, xâm nhập mặn năm nay thấp hơn năm 2011. Cụ thể, độ mặn 10 g/l có thể xâm nhập đến vị trí cách cửa sông 15-35km, độ mặn 4 g/l có thể xâm nhập sâu hơn 30-35km, độ mặn 1 g/l xâm nhập sâu 50km.
Dọc sông các sông Cổ Chiên, Ông Đốc và Cái Lớn, xâm nhập mặn năm nay tương đương 2011. Nước mặn có độ mặn 4 g/l có thể xâm nhập sâu hơn 30km, có độ mặn 1 g/l có thể xâm nhập sâu trên 40km.
Riêng sông Ông Đốc, dù cống Tắc Thủ đã được vận hành ngăn mặn nhưng vì chịu tác động chính của triều biển Tây trong khi một số cửa thông ra phía biển Tây chưa có công trình ngăn mặn nên toàn bộ tuyến sông này vẫn còn bị nhiễm mặn.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, đây mới là độ mặn nền, chưa tính tới sự biến thiên độ mặn do thời tiết thay đổi và việc vận hành các công trình thủy lợi trong thời gian tới. Do đó, các địa phương cần chủ động ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại do hiện tượng xâm nhập mặn gây ra, nhất là mức xâm nhập có độ mặn từ 4 g/l trở lên vốn gây hại cho cây trồng.