ThienNhien.Net – Nhắc tới Hà Giang là nói đến mảnh đất biên cương nghèo khó nhất nhì nước. Nhiều người cho rằng, một tỉnh có tới 6 huyện 30a đang phải hưởng chính sách hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ như Hà Giang lấy đâu ra nguồn lực mà xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, thực tế tại miền biên viễn này lại chứng minh điều ngược lại.
Kỳ 1: Cuộc cách mạng sức dân
Chủ trương nhất quán trong xây dựng NTM của Hà Giang chỉ hỗ trợ xi măng là chính, mà nói thẳng ra tỉnh cũng không có tiền để chi mạnh tay như nhiều địa phương khác. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của quê hương, bà con nơi đây đã tự giác góp công, góp sức đoàn kết giúp nhau xây dựng NTM.
Những công trình đoàn kết
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM Hà Giang, từ chủ trương hỗ trợ 11.000 tấn xi măng của tỉnh, đến nay các địa phương đã hoàn thành gần 71 km đường bê tông, 3.600 km kênh mương, láng nền cho trên 330.000 m2 nhà, xây dựng xấp xỉ 4.000 công trình vệ sinh, di dời 844 chuồng trại ra xa nhà ở và xây dựng được 320 bể nước cho bà con. Có thể với nhiều địa phương, khối lượng công trình trên chẳng đáng là bao nhưng với một tỉnh vốn đã nghèo lại khó như Hà Giang thì đó là cả một kỳ tích, bởi 1 km đường bê tông ở đây công sức, tiền của người dân phải bỏ ra gấp 3 – 5 lần nơi khác.
Nhờ có nhà vệ sinh, bể nước, sân phơi cuộc sống hàng ngày của nhiều hộ gia đình đã bớt khó khăn. Mùa khô không còn phải đi hàng chục cây số để lấy nước, vật nuôi không còn nhốt dưới sàn nhà, ăn bát cơm đã ít cát sạn và chị em cũng có chỗ tắm tát kín đáo hơn.
Chúng tôi có mặt tại xã Sơn Vĩ, một trong các xã được huyện Mèo Vạc chọn làm điểm xây dựng NTM đúng lúc bà con nơi đây đang ra quân làm đường bê tông liên thôn. Từng đoàn người tấp nập cuốc đất, đập đá nhộn nhịp như đi hội đầu xuân.
Quai những nhát búa tạ chắc nịch xuống khối đá tai mèo xám xịt, chàng trai người dân tộc Mông Giàng Mí Pó hổn hển tâm sự: “Mệt thì có mệt nhưng vui lắm nhà báo ạ! Không ngờ trong đời mình lại được đi trên cái đường to và đẹp như này. Bây giờ đường xã của mình có kém gì trung tâm huyện đâu, nhà nào cũng có sân bê tông, nhà vệ sinh và cả nhà tắm nữa nhé!”
Chúng tôi hỏi muộn rồi sao không nghỉ để mai làm tiếp? Quệt giọt mồ hôi trên trán, Pó nhoẻn miệng cười trả lời: “Ban ngày nhà mình và các nhà khác còn bận đi nương nên phải đổi công cho nhau làm cho nhanh. Bây giờ cố cho xong nhà mình để mai còn tới lượt nhà thằng Sính, thằng Lầu nữa chớ!”.
Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Sơn Vĩ Đỗ Hiếu Nghĩa cho biết, hiện địa phương đã hoàn thành tuyến đường liên xã và sắp sửa khánh thành 2 tuyến đường xương cá với chiều dài hơn 200m. Riêng đối với các công trình hộ gia đình, xã đã cấp phát 340 tấn xi măng cho 69 hộ dân tự làm bể nước ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh, láng sân phơi…
“Như các anh thấy đấy, sau các buổi tuyên truyền người dân về nhà thực hiện rất nghiêm túc. Bà con tự đổi công rồi đóng góp vật liệu xây dựng giúp nhau làm hết hộ này đến nhà khác, thôn này đến thôn kia. Trên chỉ cấp phát duy nhất xi măng, còn lại cát đá sỏi và nhân công người dân phải tự túc. Nếu không có sự đoàn kết chung sức, chung tay của đồng bào chắc chẳng bao giờ chúng tôi có thể làm được những con đường to và đẹp nhanh đến vậy.” Ông Nghĩa xúc động tâm sự.
Theo BCĐ xây dựng NTM Hà Giang, không chỉ xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc mà gần như các địa phương khác trong tỉnh đều triển khai chương trình xây dựng NTM dựa trên sức dân là chính. Bởi tính đến thởi điểm hiện tại, ngay cả 3 xã điểm của Hà Giang là Phương Độ (TP. Hà Giang), Trung Thành (Vị Xuyên) và Vĩnh Phúc (Bắc Quang) mới được cấp kinh phí tối đa là 700 triệu đồng, đối với 40 xã điểm của các huyện cũng mới nhận được 500 triệu đồng, các xã còn lại chỉ được hỗ trợ xi măng, phần còn lại đều dựa vào bà con nhân dân.
Sức dân đâu chỉ là tiền bạc
Sau khi từ huyện Mèo Vạc về TP. Hà Giang, chúng tôi tiếp tục lên xe khách trải qua hơn 1.000 khúc cua chóng mặt để đến huyện Hoàng Su Phì vì được biết địa phương này dù không được tỉnh Hà Giang tiến hành xây dựng thí điểm mô hình NTM nhưng có những bước đi, cách làm thực sự khác biệt và hiệu quả.
Ông Hoàng Hải Lý – Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ xây dựng NTM Hoàng Su Phì thẳng thắn chia sẻ, dù không được tỉnh chọn làm điểm nhưng quan điểm của huyện vẫn chủ động triển khai xây dựng NTM chứ không ngồi trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Bởi theo Chủ tịch Hoàng Hải Lý, mục đích chính của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vất chất, tinh thần và vị thế của người dân, nên làm sớm được ngày nào thì dân được hưởng ngày đó.
Hiện nay, huyện Hoàng Su Phì đã kiện toàn BCĐ xây dựng NTM cấp huyện và thành lập một tổ chuyên trách, một tổ thẩm định quy hoạch xã NTM làm tham mưu cho BCĐ. Với cấp xã, 25/25 xã, thị trấn đã thành lập BCĐ và BQL chương trình NTM. Đặc biệt, huyện còn thành lập tại 25 xã các Ban phát triển thôn. Đây là một trong những huyện kiện toàn bộ máy BCĐ từ huyện xuống thôn nhanh nhất nhì tỉnh.
Là một trong 6 huyện 30a của Hà Giang, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu nên trong các buổi lễ vận động, phát động xây dựng NTM, huyện Hoàng Su Phì đã gặt hái được thành công ngoài sức mong đợi khi huy động được gần 11 tỷ đồng, trong đó có 310 triệu đồng tiền mặt. Các DN cũng đã cam kết hỗ trợ 7 nhà lưu trú, 1 trường mầm non, 3 nhà văn hóa, 1 lồng ấp trẻ sơ sinh, 18 tấn xi măng (tương đương10 tỷ đồng). Tại 5 xã điểm của huyện, sau lễ phát động thu về được gần 30 triệu đồng tiền mặt, khoảng 1.700 ngày công, mở rộng nền đường được 2,6 km, đổ bê tông đường loại 2,5 m được 0,3 km, loại 1,2 m được 39 m…
Với huyện Hoàng Su Phì, huy động sức dân không chỉ dừng lại ở tiền bạc, công sức mà mọi đóng góp của các tổ chức cá nhân đều được địa phương trân trọng và ghi nhận. Thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì là một điển hình trong huy động sức dân nhờ vận động được 100% đầu xe tải đóng trên địa bàn góp 1 xe cát đá sỏi, thậm chí có chủ xe còn đăng ký cho tới 2 – 3 xe, giá trị lên tới vài chục triệu đồng. Tiếp đến, lãnh đạo thị trấn này còn vận động mượn được cả máy đào, máy đầm, máy trộn bê tông của các DN giao cho các thôn làm đường giúp tiết kiệm được cả chục triệu đồng tiền thuê máy móc.
Để người dân có thể chủ động xây dựng các công trình của gia đình mình như đường nhánh vào nhà, bể nước, nhà vệ sinh, sân phơi huyện Hoàng Su Phì đã phối hợp với một Trung tâm dạy nghề mở một lớp xây dựng dân dụng và kêu gọi con em các gia đình tham gia học miễn phí. Khi hoàn thành khóa học trở về, họ sẽ trở thành đội ngũ nòng cốt giúp chính gia đình các em xây dựng các công trình phổ thông như bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh.Sau giúp thôn, bản xây dựng các công công cộng như đường bê tông, nhà văn hóa, kênh mương nội đồng… theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng chương trình NTM đề ra, giúp tiết kiệm được khoản tiền lớn thuê thợ xây dựng.
Quả thực, phóng xe máy trên con đường bê tông từ thị trấn Vinh Quang vào thôn Pố Lúng chúng tôi rất lấy làm khâm phục khi thấy những con đường được đổ phẳng lì, vuông vắn đến chuyên nghiệp. Nếu ông Chủ tịch UBND thị trấn Vinh Quang Phùng Thế Tài không giới thiệu đường do chính người dân tự tay làm, tôi sẽ nghĩ đây là công trình của thợ bậc 7/7. Đến lúc này, bản thân tôi mới vỡ lẽ hết ý nghĩa câu nói của Bác, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Dù khó khăn đến đâu, nhưng nếu biết cách huy động hợp tình hợp lý thì những bàn tay chai sần của người nông dân có thể làm nên những kỳ tích vô cùng to lớn.
Đi rồi mới biết, mới hiểu được nhiều vùng trên đất nước ta còn thiếu thốn, khó khăn trăm bề. Để có được 1 km đường bê tông kiên cố, bà con vùng cao phải dùng cuốc xẻng san hàng nghìn khối đất đá, đi bộ cả chục cây số gùi từng nhúm cát, can nước về trộn bê tông. Mọi công trình lớn nhỏ được khánh thành nơi biên cương này đều thấm đẫm mồ hôi của người dân.