ThienNhien.Net – Trong chuyến công tác và làm việc tại tỉnh Hà Giang chúng tôi tình cờ được nghe người dân thôn Đoàn Kết, xã Ngọc Đường (TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang) kể nhiều về cựu chiến binh Đoàn Hồng Tự làm những việc “động trời”. Cả gia đình ông đã tình nguyện lưu lại nơi địa đầu Tổ quốc để trồng và bảo vệ rừng. Cuộc sống của ông là vậy, giản dị và không có gì bằng tình yêu rừng bằng những cách trồng và bảo vệ đặc biệt. Không chỉ vậy 8 năm qua ông còn tình nguyện bảo vệ 31ha rừng không công.
Bám trụ với rừng đến cùng
Ông Đoàn Hồng Tự sinh ra ở Hà Nam, lớn lên xa quê hương đi bộ đội tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc. Năm 1990, rời quân ngũ và quyết định ở lại mảnh đất địa đầu tổ quốc để lập nghiệp
“Từ năm 1990 về trước, nơi đây là khu vực rừng già, quanh vùng được phủ kín bằng màu xanh trùng điệp của cây cổ thụ. Từ năm 1990, người dân trong vùng đói kém, cuộc sống chủ yếu dựa vào trồng ngô, khoai, chăn nuôi gia súc và thanh niên được “vận động” lên rừng chặt củi đem về suôi bán. Từ đấy, dấy lên phong trào chặt phá rừng già nổ ra khiến những cánh rừng tan tác trong chớp mắt”, ông Nguyễn Công Quyết, trưởng thôn Đoàn Kết kể lại.
Ông Tự bảo: “Lúc đơn vị ông còn đóng quân, khu vực xã Ngọc Đường được bao bọc bởi rừng với nhiều loại gỗ quý như nghiến, trai…Tuy nhiên, khi đặt chân trở lại, trước mặt tôi là những dãy núi, đồi hoang tàn, chủ yếu là đất đá, ai nhìn cũng ngao ngán. Nhưng với mong muốn lấy lại màu xanh cho rừng, tôi quyết tâm bám trụ với rừng đến cùng”.
Năm 1996, ông Tự đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm về trồng và phát triển rừng và qua sách báo ông đã mạnh dạn mua 4.000m2 để trồng rừng và bắt đầu đầu tư mua thêm khi những hộ khác đã chán đất để hoang.
Biết tin ông Tự nhận mua đất trồng rừng, nhiều người đến năn nỉ ông “làm phúc mua giùm”, ông gật đầu mua tất.
“Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, xe máy, tivi, bàn ghế trong nhà ông lần lượt ra đi; đổi lại tôi sở hữu những quả đồi trơ trọi ở vùng núi đá ngoại ô trung tâm thành phố Hà Giang”, ông Tự tâm sự.
Nhiều người bảo ông khùng vì rất nhiều người đã vào đầu tư trồng thử nhưng đều thất bại, phải bán vội vì không làm sao bảo vệ được. Ông Tự từng nói một câu đầy quyết tâm: “Người khác không làm được, nhưng chắc chắn tôi sẽ làm được!”. Với quyết tâm như thế, ông cùng vợ vào rừng xắn tay dựng lều ở, vận động, thuê người trồng cùng. Khi cây bén rễ ông tự tay đắp nắn nguồn nước suối sẵn có để tưới, bón phân, cắt tỉa…
Dịp Tết đến xuân về, các gia đình sum họp, quây quần bên mâm cơm ấm cúng, ông cùng vợ vẫn thui thủi bám trụ chăm bón từng gốc cây và canh chừng lâm tặc phá rừng. Để bám trụ với rừng, hai vợ chồng ông Tự vừa đắp đập nuôi cá, trồng vải, nuôi lợn mán… Với phương pháp lấy ngắn nuôi dài, sau mỗi vụ thu hoạch, ông Tự lại tích cóp tiền mở rộng diện tích rừng trồng, nay thì ông đã có hàng chục héc-ta rừng trồng.
Trước kia, nhiều người trồng rừng nhưng họ không giữ nổi rừng. Có những đêm lâm tặc cắt trộm mất gần 1ha rừng trồng 6 năm tuổi mà xót xa không làm gì được. Rất nhiều thanh niên ở vùng này làm mọi cách cốt xua vợ chồng ông Tự “khăn gói ra đi” để họ tha hồ chặt phá, chăn thả trâu bò. Thậm chí, không ít lần họ còn đốt nhà để vợ chồng ông nản mà bỏ về.
Trọn cuộc đời vì rừng
Công không phụ người. Ông làm đường, kéo điện từ suối về phục vụ bà con. Ai nấy đều phấn khởi lắm. Ông cười hiền, bảo đó là một điều nên làm, dân ủng hộ thì sẽ hạn chế được người ta chặt phá. Nếu dân còn nghèo, thì ắt chặt phá rừng vẫn tiếp diễn, bắt trộm dê, lợn hay đẩy con đi chặt củi đem bán cũng là vì đói quá, nếu giúp được dân cải thiện đời sống thì tình hình phá rừng sẽ được cải thiện hơn. Ông Tự bàn với vợ cho bà con vay tiền để tậu bò, trâu, dê về nuôi. Khi trâu bò, đẻ nghé, bê thì trả lại ông tiền gốc, chứ lãi thì vợ chồng ông không lấy đồng nào. Cách làm này đã giúp nhiều hộ bớt khó khăn trong cuộc sống.
Hàng chục năm qua, một mình ông cơm nắm muối vừng trèo đèo, lội suối đi tuần tra bảo vệ 31ha rừng để thoả lòng yêu thương đối với rừng. Cũng tình cờ, chúng tôi mới biết suốt 8 năm nay ông không hề nhận một đồng nào từ việc bảo vệ 31ha rừng tự nhiên va tái sinh, trong đó có rất nhiều gỗ quý như trai, nghiến. Ông vẫn chủ động đi tuần rừng định kỳ, ngoài ra cũng phải nhờ bà con đi làm hễ thấy có người vào phá rừng thì báo cho ông. Bằng cách đó, gần chục năm nay rừng ông bảo vệ không bị phá.
Ông Tự tìm đến Ban giám hiệu trường tiểu học của xã gợi ý các thầy cô phát động cho các em học sinh cùng giữ rừng. Nhà trường hưởng ứng, vậy là cứ mỗi buổi học đầu tuần, thầy cô trường tiểu học xã Ngọc Đường lại hào hững tuyên truyền cho các em học sinh về bảo vệ rừng, vì sao không nên vào rừng đốn củi v.v. Ông Tự phấn khởi bảo: “Cách này hiệu quả lắm!”.
Tâm sự với chúng tôi, ông Tự chia sẻ: “Với người lớn mà vi phạm thì cũng phải mềm mỏng, không thể thu dao và cưa của người ta được, bởi mất dao này họ có dao khác. Cần phải đánh vào ý thức và lòng tự trọng của họ các anh ạ”
Nhắc đến mô hình kinh tế rừng của ông Đoàn Hồng Tự, trưởng thôn Nguyễn Công Quyết hào hứng khen: “Nhờ ông ấy mà rừng xanh trở lại, ý thức của bà con đã thay đổi, họ tích cực bảo vệ rừng hơn rồi”.
Hiện nay ông Tự là Chủ tịch Hội CCB xã và kiêm Bí thư chi bộ thôn Đoàn Kết. Dù công việc rất bận nhưng lúc nào có người đến để tham quan học hỏi kinh nghiệm ông đều nhiệt tình chỉ bảo, truyền lại những kinh nghiệm hay trong sản xuất để mọi người áp dụng. Hàng năm ông còn hỗ trợ cây giống cho các hộ dân trên địa bàn thành phố dưới hình thức bán lấy giá bằng một nửa thị trường…Ngoài ra ông còn kết hợp với Hội Làm vườn tỉnh mở các lớp tập huấn cho những người dân để cải tạo vườn tạp, chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả chất lượng cao.
Với những đóng góp tích cực trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm qua CCB Đoàn Hồng Tự luôn được bầu là hội viên tiêu biểu, 15 năm liền là hộ nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Đi với chúng tôi dưới tán rừng xanh mát, ông Tự bảo: “Để rừng xanh tốt như bây giờ đâu phải dễ. Nhưng còn rừng thì còn nguồn sống, mất rừng thì chẳng còn gì nữa. Vợ chông tôi sẽ còn gắn với rừng chừng nào còn sức lực.”