Kết hợp sản xuất lương thực và năng lượng để giảm nghèo


ThienNhien.Net – Những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ cũng có thể góp phần đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, từng bước cải thiện đời sống gia đình họ. Đây chính là ý nghĩa quan trọng được rút ra từ báo cáo nghiên cứu mang tiêu đề “Making Integrated Food-Energy Systems Work for People and Climate” (Các hệ thống tích hợp lương thực – năng lượng hỗ trợ con người và khí hậu, viết tắt là IFES) của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO).


FAO cho rằng hệ thống kết hợp năng lượng và lương thực này dễ dàng được vận hành thông qua hai cách: một là luân canh xen vụ, một vụ lương thực và một vụ cây trồng nhiên liệu; hai là tận dụng tối đa chất thải trồng trọt, chăn nuôi làm nhiên liệu.

Bên cạnh việc củng cố an ninh lương thực và năng lượng, IFES còn giúp người nông dân biết cách sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả hơn, đồng thời khắc phục được những tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp thông qua bảo vệ đất đai và đa dạng sinh học.

Có thể dẫn ra một vài ví dụ điển hình đã áp dụng thành công IFES. Chẳng hạn, tại Cộng hòa Dân chủ Congo, những nông dân ở Trại Mampu (Kinshasa) kết hợp trồng cây lương thực và cây keo, sau đó bán than gỗ keo cho các vùng lân cận. Hàng năm, các hộ dân nơi đây tạo ra được từ 8.000 đến 12.000 tấn than củi cùng khoảng 10.000 tấn sắn, 1.200 tấn ngô và 6 tấn mật ong. Mức thu nhập trung bình đầu người tăng lên đáng kể, vào khoảng 9.000 USD/người/năm.

Mía - một loại cây trồng đa mục đích ở Tosoly và nhiều nơi khác (Ảnh: Adimagephotos.biz)

Còn ở Colombia, Trang trại Tosoly đã ứng dụng một phương thức mang tính kết hợp cao hơn để sản xuất lương thực và năng lượng phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ và cả cho mục đích kinh doanh. Loại cây trồng hết sức phổ biến trong trang trại Tosoly là mía đường. Người nông dân dùng cây mía với nhiều mục đích khác nhau: nước ép dùng để sản xuất đường; ngọn làm thức ăn gia súc, thay cỏ khô; bã mía dùng làm chất đốt. Như vậy là trang trại không có sản phẩm dư thừa. Họ tiêu thụ chính nguồn năng lượng do mình tạo ra theo kiểu tự cung tự cấp.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều rào cản để người nông dân đạt được lợi ích của hệ thống kết hợp giữa lương thực và năng lượng. Ví dụ, một số thiết bị chuyển đổi năng lượng khá tốn kém và nhiều nông dân chưa có đủ khả năng tài chính để sở hữu những thiết bị ấy.

Ngoài ra, tiếp cận thông tin và hỗ trợ kỹ thuật bị hạn chế cũng khiến các nông hộ nhỏ dễ nản lòng. Hiện tại, FAO đang nỗ lực thúc đẩy cải thiện các chính sách cấp quốc gia và tăng cường hỗ trợ thông tin, trang bị kiến thức kỹ thuật cần thiết nhằm thúc đẩy mở rộng các hệ thống kết hợp lượng thực và năng lượng trên toàn thế giới.