ThienNhien.Net – Cùng thả lưới, giăng câu, đánh đèn nhưng chỉ cách nhau mấy sải, có người được bạc triệu, có người về tay không. Nghề lộng là thế đó, trời cho thì có, trời không cho thì thôi…
Sự bấp bênh, may rủi của nghề lộng tuy không khiến người dân thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam rơi vào cảnh đói kém nhưng để trở nên khấm khá và giàu có thì vẫn còn là niềm mơ ước xa vời đối với người làm lộng nơi đây.
Từ khi hình thành, Hạ Thanh đã gắn liền với lộng và hiện vẫn còn tới 80% số dân sống bằng nghề này, cái nghề gắn chặt với những con thuyền thúng, với những chuyến đánh bắt gần bờ.
Mấy năm trở lại đây, khi giá hải sản tươi sống tăng lên, nghề làm lộng ở Hạ Thanh cũng có thu nhập hơn. Nhưng, trớ trêu thay, đây cũng là lúc biển không còn hào phóng với nghề lộng nữa. Một phần vì số lượng người đi lộng tăng nhanh, phần vì sự phổ biến của loại lưới mắt nhỏ đánh bắt theo kiểu tận diệt nên các loài thủy sinh dần cạn kiệt. Người đi lộng vì thế mà mãi cứ sống trong cảnh có làm thì có ăn, không làm thì hết gạo. Ai tằn tiện, cố gắng lắm thì cất tạm được căn nhà nhỏ, mua được xe máy, tivi, ai kém hơn thì chỉ đủ tiền nuôi con, đong gạo.
Cuộc sống của người làm lộng vẫn mãi là những vòng quay bất tận với mỗi chu kỳ lặp lại hàng ngày là người đàn ông sáng ra biển, trưa về nhà (hoặc tối ra biển, sáng về nhà), người đàn bà sáng nấu cơm, trưa bán cá mua gạo, chiều đan lưới, còn lũ trẻ con sáng ra chơi đùa với những cọng gió, dã tràng rồi trưa, tối ngồi nhìn bố uống rượu, thỉnh thoảng nhón tay chọn những miếng ngon nhất trong mâm nhậu gồm toàn những sản vật rẻ tiền (vì loại nào được giá đã được mẹ chúng mang bán cho nhà hàng hoặc đem ra ngoài chợ). Con chữ của lũ trẻ cũng vì thế mà phập phồng theo mỗi chuyến đi biển của cha…