ThienNhien.Net – Sau hàng loạt phân tích sâu về phát triển thủy điện trên sông Mê Kông và bản báo cáo đi cùng bộ phim chung tên “Mê Kông -Dòng sông quá tải”, mới đây Trung tâm Stimson tiếp tục công bố một báo cáo mới với nhiều thông tin cập nhật mang tựa đề “Bước ngoặt Mê Kông: Chia sẻ dòng sông vì tương lai chung”
Các tác giả nhận xét trong năm 2011, nền kinh tế – chính trị tại lưu vực sông Mê Kông đã chuyển trọng tâm từ các chính sách khai thác sang phương pháp tiếp cận mới mang tính hợp tác và bền vững hơn. Tuy nhiên, nghi vấn về hiệu quả của những chuyển biến này vẫn còn nằm phía trước, với những diễn biến đã và đang diễn ra với câu chuyện đập thủy điện.
Trên thực tế, những con đập ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và kinh tế – xã hội vẫn tiếp tục được xây dựng trên vùng thượng nguồn của sông Mê Kông ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và các phụ lưu nằm trên lãnh thổ các nước Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, tính đến đầu năm 2012 có thể ghi nhận ba nhân tố then chốt đã cản trở tiến trình xây dựng đập Xayabury của Lào – con đập đầu tiên trong chuỗi 12 đập dự kiến trên dòng chính Mê Kông.
Thứ nhất, đó là sự biến chuyển mang tính xuyên quốc gia. Nhận thức của người dân về những tác động liên biên giới của việc xây dựng đập thủy điện ngày càng được nâng cao. Chính phủ các nước cũng đã cân nhắc hệ lụy của việc phát triển thủy điện gắn với các mối quan hệ chính trị trong khu vực hơn là nhìn nhận hạn hẹp trong phạm vi quốc gia.
Thứ hai là vấn đề thể chế. Việc thành lập Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế (MRC) vào năm 1995 cùng với những cam kết của bốn quốc gia thành viên về một hiệp định chung nhằm thiết lập và cân nhắc chi phí và lợi ích của việc phát triển thủy điện dòng chính.
Thứ ba, đó là sự trưởng thành của các tổ chức xã hội tại các quốc gia trong lưu vực. Điển hình như tại Thái Lan, các tổ chức này đã lồng ghép việc phản đối xây dựng đập Xayabury vào chiến dịch bầu cử quốc gia. Còn ở Việt Nam, nhiều cuộc họp tham vấn ý kiến cũng đã được tổ chức.
Liệu việc dự án Xayaburi bị trì hoãn có trở thành bước ngoặt có ý nghĩa lâu dài cho sự hợp tác và phát triển bền vững về vấn đề nguồn nước trong khu vực hay không? Các tác giả cho rằng điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào những động thái tiếp theo của Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế, các nước thành viên và những nhà tài trợ quốc tế cam kết hỗ trợ cho các nghiên cứu sâu phân tích được – mất từ các dự án thủy điện và các dự án chuyển nước.
Nhóm tác giả khuyến nghị nên thiết lập một bộ “Tiêu chuẩn Mê Kông” trong đó quy định các vấn đề lập và thiết kế dự án, các đánh giá tác động môi trường và kinh tế xã hội cần thiết, tạo cơ sở cho quá trình ra quyết định mang tính khu vực.