Loài bọ cạp mới được ghi nhận tại Phong Nha – Kẻ Bàng

ThienNhien.Net – Loài bọ cạp mới được phát hiện tại động Thiên Đường thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, vừa được hai nhà khoa học TS. Phạm Đình Sắc (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và TS. Wilson Lourenco (Bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris, Pháp) công bố trên Tạp chí quốc tế C.R.Biologies, số 335, năm 2012.

Bọ cạp Thiên đường vừa được phát hiện tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Ảnh: quangbinh.gov.vn)

Loài bò cạp mới được đặt tên khoa học là Vietbocap thienduongensis Lourenco & Pham, 2012 và tên tiếng Việt là Bọ cạp Thiên Đường.

Trước đó, tháng 12/2010, hai nhà khoa học trên cũng đã công bố một loài bọ cạp mới ghi nhận được tại động Tiên Sơn thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, đó là loài Vietbocap canhi Lourenco & Pham, 2010.

Cả hai loài bọ cạp này cùng thuộc họ Pseudochactidae. Cho đến nay, trên toàn thế giới, họ Pseudochactidae mới phát hiện được 4 loài thuộc 3 giống: 1 loài thuộc giống Troglokhammouanus (phát hiện ở Lào), 1 loài thuộc giống Pseudochatas (phát hiện ở Uzbekistan và Tajikistan) và 2 loài thuộc giống Vietbocap (vừa mới phát hiện ở Việt Nam).

Đây là những loài chuyên biệt, thích nghi với điều kiện sống trong hang động. Các nhà khoa học cho rằng, sự cách biệt với môi trường bên ngoài, cùng với sự khác biệt về chế độ ánh sáng cũng như ẩm độ đã khiến hình thành loài đặc hữu cho khu vực.

Theo TS. Phạm Đình Sắc, phát hiện này đóng góp một phần không nhỏ vào kho tàng giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam và góp phần khẳng định Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng xứng đáng là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học. Tuy nhiên, nơi sống của hai loài bọ cạp này đang bị thu hẹp do các tác động của con người, thậm chí chúng có nguy cơ biến mất nếu không được chú trọng bảo tồn.

Loài chim hiếm được ghi nhận tại xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La (Ảnh: bee.netvn)

Cùng liên quan tới sự kiện công bố phát hiện loài mới, ngày 20/1 vừa qua, một nông dân ở bản Lọng Đán, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cũng phát hiện và bắt được một con chim lạ bay lạc từ núi xuống. Loài chim này có trọng lượng 7,5 kg, sải cánh rộng 2,8m, cao 0,5m, thân dài 0,7m, là loài chim ăn thịt.

Theo nhận định của GS.TSKH Võ Quý, đây không phải là loài chim lạ nhưng cũng là loài chim hiếm, có tên là đại bàng đầu trọc (tên khoa học là Aegypius monachus), đầu không có lông như các loài chim khác nhưng vẫn có lông bông, mịn che kín da đầu.