Nông nghiệp truyền thống có thể cứu các loài chim đang bị đe dọa

ThienNhien.Net – Một nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng các phương thức nông nghiệp truyền thống có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo vệ một số loài chim hiện đang bị đe dọa ở các nước đang phát triển như chim ôtit, sếu, cò quăm và chim kền kền.

 
Ôtit là một trong số những loài chim đang bị đe dọa (Ảnh: Javier E. Pozo/Ventbird.com)

Theo nhóm nghiên cứu, đứng đầu là Hugh Wright thuộc Khoa Khoa học Môi trường, trường Đại học Đông Anglia (Vương quốc Anh), chăn nuôi gia súc cùng với hoạt động trồng trọt từ lâu đã giúp tạo ra những điều kiện môi trường cho một số loài chim cư trú, kiếm ăn và sinh sản. Tuy nhiên, kể từ khi các phương thức nông nghiệp được công nghiệp hóa thì môi trường sống của nhiều loài đã dần bị thu hẹp, khiến chúng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Nghiên cứu trên đã phát hiện được 29 loài chim đang bị đe dọa do sự mai một của nền nông nghiệp truyền thống ở nhiều quốc gia đang phát triển. Con số này thậm chí còn lớn hơn nếu như chúng ta tính đến các loài sinh vật khác bị tác động. Bởi vì, ngoài những lợi ích đáng kể đối với loài chim, nền nông nghiệp truyền thống còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài bò sát, lưỡng cư, bướm và cả các loại cây trồng sinh sôi phát triển.

Nghiên cứu cũng khuyến cáo rằng, việc kết hợp tiết kiệm đất với những phương thức nông nghiệp truyền thống phù hợp điều kiện của từng địa phương sẽ góp phần tạo nên một chiến lược bảo tồn hiệu quả nhất.

Khác với nông nghiệp hiện đại hay còn gọi là nền nông nghiệp đã được công nghiệp hóa, nông nghiệp truyền thống có xu hướng tập trung vào các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi dựa trên kinh nghiệm và sự am hiểu về hệ sinh thái của người nông dân nhằm tạo ra lương thực – thực phẩm phục vụ cho bản thân con người hoặc làm thức ăn cho gia súc. Đặc biệt, nông nghiệp truyền thống hết sức hạn chế sử dụng các nguyên liệu đầu vào như thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân bón hóa học, chất đốt… hay các phương pháp như độc canh cây trồng, chăn nuôi theo mô hình trang trại nhà máy… Vì thế, đây được coi là phương thức canh tác bền vững không chỉ với môi trường mà còn với nhiều loài động, thực vật sống dựa vào ruộng đồng.