ThienNhien.Net – Thông qua các cuộc khảo sát khám phá lòng đại dương, nhóm các nhà khoa học Hoa Kỳ đã phát hiện ra một hệ sinh thái ngoài khơi Nam cực đang bị những chú cua Yeti “chiếm đóng”. Cùng với đó là bức tranh về rất nhiều loài mới cũng được tìm thấy tại đây hiện đang chờ giới khoa học kiểm chứng.
Công trình khảo sát được đăng trên tạp chí khoa học uy tín PLoS ONE (Anh) đồng thời khẳng định đây là khám phá đầu tiên về một hệ sinh thái miệng phun thủy nhiệt dưới đáy đại dương vùng Nam bán cầu dù rằng trước đó đã có nhiều nghiên cứu khác khảo sát các vùng nước ấm trên khắp thế giới.
Vui mừng trước kết quả nghiên cứu, ông Alex Rogers thuộc Khoa Động vật học, trường Đại học Oxford, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ: “Miệng phun thủy nhiệt – nơi nhận năng lượng không phải từ mặt trời mà từ chính các phản ứng hóa học – là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật đặc thù mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh của chúng ta. Khảo sát đầu tiên thăm dò các miệng phun đặc biệt này đã vén bức màn về một thế giới nóng bỏng nhưng tối tăm, tưởng như đã rơi vào quên lãng và các cộng đồng sinh vật biển trước đó chưa từng được biết đến, đang sinh sôi, phát triển”.
Thám hiểm các miệng phun thủy nhiệt bằng Thiết bị Lặn Điều khiển từ xa (ROV), ngoài việc chụp hình những con cua ma quái bám đầy lên nhiều miệng phun, các nhà khoa học còn có được ảnh của rất nhiều loài hàu, sao sao, ốc sên, hải quỳ, sao biển và thậm chí cả một loài bạch tuộc mới.
Nhóm nghiên cứu tin rằng các loài mới được tìm thấy ở khu vực đại dương gần Nam cực này đại diện cho một vùng địa sinh vật mới riêng biệt so với các loài trước đó từng được mô tả ở nhiều đại dương trên Trái đất. Nói cách khác, các loài mới đã tạo nên một quần xã động vật độc nhất vô nhị ở vùng đại dương Nam bán cầu, không lẫn với bất kỳ nơi nào khác.
Thế nhưng, mặc dù nằm sâu dưới lòng đại dương, các miệng phun thủy nhiệt hiện đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới, đó là hoạt động khai thác mỏ dưới biển sâu. Để tránh làm suy giảm tính đa dạng, phong phú của các hệ sinh thái đặc thù ấy, giới khoa học đã lên tiếng kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đối với hoạt động này, đồng thời nỗ lực tìm cách hạn chế tối đa ảnh hưởng của con người tới đời sống của nhiều loài mới cư trú quanh các miệng phun dưới đáy đại dương.