ThienNhien.Net – Nói đến lan Hài là nói đến những loài lan nhỏ nhắn nhưng hoa lớn, vươn cao màu sắc tươi sáng, hình hoa với cánh đài cuộn tròn như những chiếc hài thiếu nữ duyên dáng, đầy hấp dẫn. Từ lâu lan Hài đã được coi là một loài cây trồng đẹp, có giá trị và được ưa chuộng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhưng ít ai biết số phận thật sự của những “nàng tiên hài” này trong tự nhiên hiện ra sao?
Những phát hiện về lan hài ở Việt Nam
Lan Hài của Việt Nam được thế giới biết đến vào đầu thế kỷ 20 Pháp, khi một sĩ quan Pháp thu mẫu loài lan Hài hồng (Paphiopedilum delenatii) đưa sang châu Âu, vào khoảng năm 1913-1914. Đây là loài lan có hoa màu hồng phớt trắng hay hay hồng tía, màu sắc được ưa chuộng đối với các loài lan Hài.
Mất đến hơn 70 năm sau, người ta lại mới tìm lại được loài lan Hài hồng trong tự nhiên, ở vùng giáp ranh giữa Ninh Thuận và Khánh Hòa. Những loài lan Hài dễ tìm thấy hơn và được biết từ khá lâu là Hài xanh (P. malipoense), Hài lông (P. hirsutissimum), Hài đốm (P. concolor), Hài xoắn (P. dianthum).
Cuối những năm 1990, Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn các nhà nghiên cứu nhờ một loạt phát hiện mới và lạ về lan Hài được công bố. Đầu tiên là Hài hê len (P. helenae), loài lan hài nhỏ hoa vàng có ở Cao Bằng. Tiếp đến là một loạt những loài lan Hài khác cũng từ khu vực núi đá vôi Đông Bắc như Hài hằng (P. hangianum) cho hoa trắng, Hài hương lan (P. emersonii) hoa trắng vàng, Hài trần liên (P. tranlienianum) hoa nâu.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến loài lan Hài đẹp như trong mộng là lan Hài việt (P. vietnamense) với lá đốm, bóng, hoa màu hồng đỏ, đài cuộn tròn, được tìm thấy ở Thái Nguyên. Phần lớn những loài mới phát hiện đều là những loài đặc hữu của riêng Việt Nam.
Trong khoảng thời gian này, một loạt những loài lan Hài khác cũng đã được tìm thấy, có nhiều loài đẹp và hiếm của thế giới như Hài ngọc nữ (P. micranthum), Hài hen ry (P. henryanum), Hài mốc vàng (P. armeniacum). Có lẽ là không quá để nói rằng Việt Nam là nôi về lan Hài của thế giới.
Trong cuốn sách tổng quan về lan Hài Việt Nam (2004), các chuyên gia đã xác nhận và giới thiệu 18 loài lan Hài và 4 loài lai tự nhiên có ở Việt Nam. Đến năm 2007, Sách Đỏ Việt Nam với phiên bản mới cũng đã đưa vào 12 loài lan Hài bản địa có giá trị khoa học cao cần được bảo vệ.
Và chỉ cách đây chừng một năm, các nhà khoa học đã ghi nhận thêm loài mới Hài Xuân Cảnh (P. canhii), loài lan cây nhỏ, hoa nhỏ của vùng Tây Bắc. Những phát hiện về lan Hài ở Việt Nam chắc chắn sẽ không dừng ở đây.
Từ rừng … ra chợ
Lan Hài cây nhỏ dễ trồng và dễ cho hoa, hoa mang vẻ đẹp quyến rũ, màu sắc và hình dạng độc đáo nên là những cây cảnh có giá trị cao, được ưa chuộng ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, khi trồng nhiều cây một chỗ, hoa nở cùng thời điểm trông rất hấp dẫn, cho hiệu quả trang trí cao. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà lan Hài bị thu hái ồ ạt để bán.
Nếu lần theo chân những người bán lan vỉa hè có thể khám phá những đường dây thu hái và buôn bán lan được tiến hành rất bài bản. Trong đường dây ấy có những người chuyên đi thu gom phong lan từ rừng tự nhiên. Họ thuê người dân địa phương vào rừng hái lan và mua với giá rẻ, nếu tính theo giá hiện thời thì độ năm, mười nghìn đồng một cân phong lan. Lan được thu gom, phân loại, chuyển về các đầu mối ở các tỉnh lỵ rồi từ đây được phân phối và bán ở khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc.
Đáng tiếc, việc thu hái phong lan rừng hầu như không được cán bộ kiểm lâm và các chủ rừng ở địa phương chú ý. Có phải vì họ bận ngăn chặn nạn phá rừng, lấy gỗ hay săn bắt động vật hoang dã mà quên đi những loài “cây cỏ vô giá” này không?
Tất cả các loài lan Hài (Paphiopedilum spp) đều đã được đưa vào nhóm IB trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/3/2006, được bảo vệ ngang hàng với những loại cây gỗ quí nhất và các loài động vật hoang dã tiêu biểu nhất. Nghị định này ghi rõ: “Nhóm I: Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số luợng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao.”
Và nữa: “Việc khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn các loài đó trong tự nhiên và phải có phương án được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.” Điều này có nghĩa là bất kỳ hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lan Hài nào đều là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt hay bị thậm chí bị truy tố. |
Một cây lan Hài, tùy chủng loại, trên thị trường thế giới có giá khá cao, thấp nhất cũng phải 10-15 USD. Những cây hiếm, cây biến chủng lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đô la. Trong khi đó, ở nước ta người dân có thể dễ dàng mua được những loài cây này như mớ rau, mớ cỏ. Chắc chẳng có nơi nào mà các loại phong lan lại được bán rẻ như ở Việt Nam. Không hiểu vấn đề chỉ là thiếu sự quan tâm của những người có trách nhiệm, như đã nói ở trên, hay những quy định pháp luật bảo vệ những loài cây này tuy có mà chưa đủ chặt chẽ?
Một số hình ảnh lan rừng xuống phố: