ThienNhien.Net – Lên những vùng núi, nơi sinh sống của các loài lan Hài vào mùa hoa nở, ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự bừng tỉnh của mặt đất, vách đá với hàng loạt những bông hoa lan hình mũi hài nhô cao trên lớp thảm mục của rừng già. Ở những nơi sâu thẳm nhất của rừng, lan Hài thực sự là những viên ngọc vô giá của tự nhiên…
Trong tự nhiên, các loài lan Hài (Paphiopedilum) thường gặp trên các đường đỉnh dông núi có độ cao từ 500 – 600m trở lên, dưới tán rừng thưa, dưới những cây tùng, cây bách của kiểu rừng rêu á nhiệt đới, rất đa dạng các loài thực vật. Không khí những nơi này luôn ẩm, mát, là thiên đường của các loài lan rừng và độc đáo nhất trong số đó vẫn là các loài lan Hài.
Với số lượng trên 20 loài bản địa, các loài lan Hài Việt Nam gặp ở cả 2 miền Nam Bắc. Thời điểm nở hoa của các loài này lại vào các tháng khác nhau, rải rác trong năm. Vì vậy đối với những người sưu tầm lan, có được một bộ ảnh cá nhân đầy đủ hoa các loài lan Hài Việt Nam không phải đơn giản.
Hài mốc hồng hay còn được gọi với cái tên yêu kiều Hài ngọc nữ (P. micranthum) là loài Hài của vùng biên giới phía Bắc cho hoa nhỏ và đẹp. Hoa rất giống với hoa một số loài Đỗ quyên có mật. Loài hoa này thu hút các loại côn trùng tới thụ phấn. (Ảnh: Chu Xuân Cảnh)
Hài vân (P. callosum) là loài Hài đẹp từng phân bố nhiều ở Nam Tây Nguyên. (Ảnh: Chu Xuân Cảnh)
Hài đốm, hay Hài gấm (P. concolor): So với các loài lan Hài khác, chúng có phân bố trên các núi, các đảo đá vôi ở độ cao thấp nhất, có những nơi gần như sát mực nước biển. (Ảnh: Minh Xuân)
Hài hằng (P. hangianum) được phát hiện năm 1999 ở Tuyên Quang. Đây là loài lan Hài cho hoa kích thước lớn, có hương thơm. (Ảnh: Chu Xuân Cảnh)
Hài xuân cảnh (P. canhii) là loài lan Hài đặc hữu của Việt Nam, có kích thước cây và hoa nhỏ nhất của Việt Nam, mới phát hiện năm 2010. (Ảnh: Chu Xuân Cảnh)
Hài xoắn, Hài râu (P. dianthum) dễ nhận biết với cụm nhiều hoa (có thể lên tới 5 bông). Loài lan hài này thường mọc bám trên các thân cây gỗ lớn, có mặt ở các tỉnh miền Bắc. (Ảnh: Minh Xuân)
Hài vàng (P. villosum): Cũng giống như hài xoắn, chúng sống phụ sinh bám trên các thân cây gỗ, nhưng gặp ở vùng Nam Tây Nguyên. (Ảnh: Chu Xuân Cảnh)
Hài hê len (P. helenae) là loài lan đặc hữu, được phát hiện năm 1996. Loài lan này phân bố ở một số tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn. (Ảnh: Chu Xuân Cảnh)
Hài trần liên (P. tranlienianum) là loài Hài đặc hữu của vùng Việt Bắc, phát hiện năm 1998. (Ảnh: Minh Xuân)
Hài hương lan (P. emersonii) cho hoa có hương thơm dịu, đặc trưng của vùng Bắc Thái. (Ảnh: Chu Xuân Cảnh)
Hài lông (P. hirsutissimum) có lẽ là loài lan Hài phổ biến nhất ở miền Bắc Việt Nam. (Ảnh: Minh Xuân)
Hài đuôi công (P. gratrixianum) đặc trưng của vùng Tam Đảo. (Ảnh: Chu Xuân Cảnh)
Hài hồng (P. delenatii) là loài đặc hữu của Việt Nam, sớm được phát hiện và thế giới biết đến. Loài lan hài này được tìm thấy ở Khánh Hòa. (Ảnh: Chu Xuân Cảnh)
Hài hen ry (P. henryanum) là loài Hài nhỏ, hoa có màu sắc nổi bật, có ở Hà Giang. (Ảnh: Minh Xuân)
Hài tía, hay Hài thiết (P. purpuratum) có hoa màu nâu tía, xuất hiện ở Cao Bằng. (Ảnh: Minh Xuân)
Hài chân tím: Các chuyên gia chưa thống nhất đây là một loài mới – Hài cocci (P. coccineum) hay là một chủng mới của loài P. barbigerum. Chủng này mang tên Hài lộc (P. barbigerum var lockianum), nhằm vinh danh GS. Phan Kế Lộc, đồng tác giả phát hiện ra loài này ở tỉnh Sơn La. (Ảnh: Minh Xuân)